3 cách giúp cải thiện giấc ngủ ở người có đường huyết cao
Cập nhật lúc 23:51, Chủ nhật, 07/01/2024 (GMT+7)
Bác sĩ Gregg Faiman - Bệnh viện Đại học Cleveland (Mỹ) - cho biết, ngủ không đủ giấc có thể tác động tiêu cực đến lượng đường trong máu. Ngủ quá ít sẽ gây căng thẳng cho cơ thể, khiến cơ thể tiết ra các hormone, làm tăng sức đề kháng insulin và tăng lượng đường trong máu. Dưới đây là 3 cách giúp cải thiện giấc ngủ ở người có đường huyết cao.
|
|
Giấc ngủ có ảnh hưởng đến đường huyết. Đồ hoạ: Hạ Mây |
Không sử dụng các thiết bị điện tử
Tiếp xúc với ánh sáng mạnh, thậm chí từ điện thoại thông minh không chỉ làm gián đoạn giấc ngủ mà còn có thể làm thay đổi quá trình trao đổi chất và gây rối loạn cân nặng của chúng ta.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2016 cho thấy, việc tiếp xúc với ánh sáng xanh có liên quan đến sự gia tăng tình trạng kháng insulin (có nghĩa là cơ thể giảm khả năng di chuyển lượng đường trong máu đến các tế bào để sử dụng làm năng lượng).
Các chuyên gia y tế khuyến nghị, chúng ta nên tắt các thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ sẽ tốt cho sức khoẻ.
Không uống rượu trước khi đi ngủ
Rượu ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Rượu làm suy yếu quá trình giải phóng đường glucose vào máu và cơ thể phải mất khoảng 2 giờ để chuyển hóa hoàn toàn rượu đã uống.
Để giảm nguy cơ rối loạn giấc ngủ, chúng ta nên ngừng uống rượu trước khi đi ngủ khoảng 4 tiếng.
Tập thể dục
Chúng ta sẽ ngủ ngon hơn vào ban đêm nếu tham gia một số hoạt động thể chất trong ngày. Bởi vì tập thể dục làm tăng nhiệt độ bên trong cơ thể, khi nó giảm xuống mức bình thường sẽ gây ra cảm giác buồn ngủ và giúp bạn chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.
Ngoài ra, tập thể dục cũng có thể giúp cơ thể đốt cháy calo, duy trì cân nặng khỏe mạnh và kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Theo laodong