Trong rau muống chứa nhiều vitamin và khoáng chất như chất xơ, protein, canxi, sắt, vitamin A... Đây là những axit amin cần thiết cho cơ thể, rất tốt cho những người thiếu máu, người ốm dậy, kém ăn, thiếu chất đạm.
Nhưng, ăn rau muống thường xuyên các bà nội trợ nên biết những cấm kỵ dưới đây nếu không sẽ để lại hậu quả khó lường.
Cấm kỵ khi ăn rau muống
Khi đi chợ, bạn nên chọn mua rau muống cọng nhỏ. Vì chúng ăn giòn, ngon và an toàn hơn rau muống có cọng quá to. Trước khi nấu bạn nên ngâm với nước muối và rửa thật sạch để loại bỏ hết bụi bẩn, vi khuẩn và thuốc bảo vệ thực vật (nếu có) khỏi rau.
Không ăn rau muống chưa chín
Bác sĩ chuyên khoa 2, Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị khám Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết, ăn sống rau muống hoặc ăn rau chưa chín kĩ có thể bị đầy bụng, dị ứng hoặc đau bụng. Không chỉ dính nhiều bùn đất, rau muống còn bám nhiều ký sinh trùng, giun sán, thậm chí còn sót lại thuốc trừ sâu.
Do đó, nếu không rửa sạch và luộc chín kỹ, bạn có nguy cơ mắc bệnh, ký sinh trùng đi vào cơ thể dễ gây ra các triệu chứng như đau bụng, khó tiêu…Do đó, khi luộc rau, bạn nên đợi nước sôi hoàn toàn mới thả rau vào.
Không ăn rau muống nước
Ăn rau muống nước khả năng ngộ độc cao vì nó được được trồng tại các ao hồ có nguồn nước bị ô nhiễm sẽ dễ bị nhiễm chất độc. Ngoài ra, đây còn là môi trường sinh sản của các loài ký sinh trùng.
Quá trình canh tác không đòi hỏi việc tưới tiêu nên rau muống nước thường có dư lượng thuốc trừ sâu cao hơn các loại khác.
Thuốc bảo vệ thực vật được phun vào rau và rơi xuống nước. Rau hút loại nước độc này sẽ càng nhiễm độc nặng hơn.
Không ăn cùng với sữa
Rau muống chứa một số thành phần hóa học có thể làm ảnh hưởng đến việc hấp thụ canxi, còn các sản phẩm từ sữa như sữa bò, sữa chua, pho mát đều giàu hàm lượng canxi. Cho nên nếu kết hợp rau muống cùng những sản phẩm từ sữa sẽ không hấp thụ được tối đa dinh dưỡng từ hai loại thực phẩm này.
Những người không nên ăn rau muống
Người bị viêm khớp, bệnh gout
Theo kinh nghiệm dân gian, những người bị viêm đau, nhức khớp, bệnh gout (thống phong) và các viêm nhiễm đường tiết niệu thận do sỏi, huyết áp cao không nên ăn nhiều rau muống. Bởi vậy, nếu gia đình bạn có người mắc các bệnh này thì cũng nên hạn chế.
Người đang dùng thuốc Đông y, có vết thương hở
Nếu bạn đang uống thuốc Đông y, ăn rau muống sẽ làm giã thuốc, nhất là khi trong thuốc có vị độc cần thiết để chữa bệnh (độc trị độc) và sẽ làm giảm hiệu quả điều trị.
Ngoài ra, đối với những ai đang bị vết thương trên da cũng không nên ăn rau muống bởi chúng kích thích tăng sinh tế bào gây sẹo lồi gây xấu da.
Người hệ tiêu hóa yếu không nên ăn rau muống
Các chuyên gia sức khỏe lý giải rằng, ký sinh trùng sán lá tên Fasciolopsis buski thường có trong rau muống có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể nếu bạn ăn rau sống hoặc nấu chưa chín. Với những người có hệ tiêu hóa yếu, loại ký sinh trùng này có thể gây ra các triệu chứng khó tiêu, đau bụng, dị ứng.
Người mắc bệnh viêm khớp
Nếu bạn gặp tình trạng thường xuyên đau nhức xương khớp thì không nên bổ sung rau muống vào thực đơn hàng ngày. Những dưỡng chất trong loại rau này có thể khiến cơn đau nhức trầm trọng hơn, người mắc bệnh càng khó chịu, mệt mỏi.
Mẹo nhỏ giúp bạn luộc rau muống luôn ngon và đẹp mắt
Luộc rau muống trong nồi nhiều nước, đảm bảo nước ngập mặt rau.
Đợi nước thật sôi mới cho rau muống vào luộc để tránh làm rau muống bị thâm đen.
Luộc rau ở lửa lớn thì rau muống luộc sẽ ngon hơn.
Để rau muống có màu xanh đẹp mắt, tươi ngon khi luộc, bạn cho thêm một ít muối ăn vào nồi nước.
Cho vào nồi nước luộc một muỗng dầu ăn trước khi vớt rau muống ra. Cách làm này sẽ giúp rau muống tươi, xanh và có độ bóng đẹp mắt.
Rau muống sau khi luộc chín thì bạn vớt ra và cho ngay vào một thau nước lạnh. Nước lạnh sẽ giúp giữ rau luôn được giòn, tươi xanh và không bị thâm màu. Khi nào ăn, bạn chỉ việc vớt rau ra rổ, để cho ráo nước là được.
Theo giaoducthoidai