Khí hư màu vàng xanh

Khí hư bình thường có màu trắng sữa hoặc không màu và trong suốt. Tuy nhiên, khi dịch tiết âm đạo xuất hiện khí hư màu vàng xanh chứng tỏ vùng kín có dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn, viêm cổ tử cung cấp tính và viêm âm đạo. Ngoài màu sắc khác thường, dịch tiết lúc này sẽ đặc, hơi dính và có mùi hôi. Nếu có mủ xen lẫn trong dịch, độ kết dính cao thì hãy cẩn trọng với ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng hay viêm vòi trứng, viêm phúc mạc do nhiễm trùng nặng.

Một số ít trường hợp có dị vật sót lại trong âm đạo hoặc tràn dịch tử cung cũng có thể gây ra hiện tượng ra dịch màu vàng, xanh. Vì vậy, nếu dịch tiết âm đạo bỗng dưng có màu vàng xanh như mủ kèm mùi khó chịu... thì chị em nên đi khám phụ khoa càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân và được điều trị kịp thời.

Dịch tiết màu hồng

Đừng xem nhẹ nếu thấy dịch tiết âm đạo có màu đỏ của máu khi không đến kỳ kinh nguyệt, bởi rất có thể bạn đã mắc các bệnh phụ khoa như ung thư cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư, viêm cổ tử cung, polyp cổ tử cung hoặc u xơ tử cung dưới niêm mạc...

Các bác sĩ cho biết, một trong những hiện tượng phổ biến nhất của ung thư cổ tử cung là chảy máu âm đạo bất thường. Ngoài ra, phụ nữ bị tổn thương tử cung còn có dấu hiệu dịch tiết âm đạo ra nhiều, có mùi hôi, đau bụng, đau vùng chậu bất thường, giảm cân không rõ lý do, đi tiểu ra máu, đau lưng... Ở giai đoạn xâm lấn, người trong cuộc có thể đau khi quan hệ tình dục. Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, gầy sút, đau vùng bụng và khung chậu, rong kinh...

Do đó, nếu chị em thấy quần lót có dịch tiết màu hồng, màu đỏ thì không nên chần chừ mà nên đi khám ngay.

Khí hư trắng đục

Âm đạo xuất hiện khí hư trắng đục, vón cục, có mùi hôi, ngứa ngáy... kéo dài khoảng 5-7 ngày là biểu hiện của một vài bệnh lý như: nhiễm khuẩn nấm Candida, viêm phần phụ... Theo thống kê, có 70%-90% phụ nữ mắc bệnh viêm phụ khoa xuất phát từ tình trạng nhiễm nấm Candida. Thông thường, khi âm đạo nhiễm nấm Candida sẽ có những biểu hiện như khí hư vón cục kèm theo mùi hôi và màu sắc bất thường. Đặc biệt, chị em còn cảm thấy đau rát, ngứa vùng kín nhiều hơn vào buổi tối.

Đối với chị em, vệ sinh vùng kín không cẩn thận hoặc có sở thích quan hệ tình dục không lành mạnh cũng rất dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công và gây bệnh. Khí hư có mùi hôi càng nồng có nghĩa bệnh lý này đã chuyển biến càng nặng. Nếu tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như những biến chứng nghiêm trọng khác.

Các nhà vi sinh vật học chỉ ra 1 chiếc quần lót bẩn mang trung bình 0,1g phân, trong khi 1g phân sẽ chứa khoảng 10 triệu virus, 1 triệu vi khuẩn, 1.000 nang ký sinh trùng và 100 trứng giun. Đặc biệt, vi khuẩn E.coli, Salmonella hay các vi khuẩn khác có trong phân tương đối "cứng đầu" và không thể bị tiêu diệt hoàn toàn ngay cả khi giặt và phơi đúng cách.

 Để đảm bảo sức khỏe và phòng tránh các bệnh phụ khoa, các bác sĩ chỉ ra 4 lưu ý khi sử dụng quần lót mà chị em cần chú ý:

- Thay quần lót ít nhất 1 lần mỗi ngày và nên giặt bằng tay.

- Nên dùng loại bột giặt hoặc nước giặt chuyên dụng, phơi dưới ánh nắng mặt trời.

- Nên chọn loại quần có chất liệu cotton, có độ thấm hút tốt, không mặc quần quá chật, đặc biệt là không mặc quần lọt khe quá thường xuyên.

- Nên thay mới đồ lót sau khi dùng khoảng 3 - 6 tháng hay có các dấu hiệu vàng ố, mốc, rách...

 

Lương Hiền