Thoái hóa khớp bàn ngón tay xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như tuổi tác, chấn thương, dùng bàn tay nhiều trong công việc như đánh máy, thợ máy. Bệnh thường xảy ra trên bệnh nhân nữ hơn là bệnh nhân nam.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay

- Lão hóa tự nhiên do tuổi tác: Khi tuổi càng cao, quá trình lão hóa tự nhiên diễn ra nhanh chóng. Thoái hóa khớp là bệnh thường gặp ở người bệnh từ 55 tuổi trở lên. Lúc này, lượng máu tới nuôi dưỡng vùng khớp giảm sút, bao khớp bị thiếu chất nhầy và dịch khớp bị khô.

Tình trạng này làm tăng ma sát, sụn bị bào mòn, va chạm vào gây đau, đồng thời làm hình thành nhiều ổ tiêu xương nhỏ.

- Nguyên nhân do chấn thương: Chấn thương là một trong các nguyên nhân thường gặp làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp, nhất là những khớp ngón tay và khớp nhỏ tại bàn tay. Sau chấn thương, sự liên kết giữa những khớp xương trở nên lỏng lẻo, khớp trở nên nhạy cảm, rất dễ bị tổn thương.

- Nguyên nhân bởi tính chất công việc: Những người sử dụng bàn tay nhiều khi làm việc rất dễ bị thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay.

Dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay

1. Biểu hiện đau khớp

3 dấu hiệu cho thấy bạn bị thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay- Ảnh 1.
 

Người bệnh có cảm giác đau nhức, khó chịu tại các khớp.

Đây là triệu chứng phổ biến ở người bệnh thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay. Trong giai đoạn đầu, người bệnh có cảm giác đau nhức âm ỉ, khó chịu tại các khớp.

Theo thời gian, các cơn đau trở nên trầm trọng hơn, kéo dài liên tục. Người bệnh sẽ bị đau nhói, khó thực hiện thao tác gấp/duỗi khớp ngón tay. Ngoài ra, các cơn đau khớp còn trở nặng khi thời tiết thay đổi, vận động khớp nhiều…

2. Xuất hiện cơn cứng khớp

Triệu chứng này khiến người bệnh khó có thể gấp hay duỗi các khớp ngón tay. Cứng khớp thường nghiêm trọng vào buổi sáng sau khi thức dậy hay khi nghỉ ngơi, không sử dụng tay. Triệu chứng có thể thuyên giảm sau khi người bệnh xoa bóp các đầu ngón tay trong khoảng 5 – 10 phút.

3. Có tiếng kêu lục cục

Khi cử động bàn tay, người bệnh có thể nghe thấy tiếng lục cục tại các khớp. Âm thanh này chính là do các đầu xương ma sát ở khớp, nơi có sụn khớp bị thoái hóa.

Cùng với những triệu chứng trên, người bệnh thỉnh thoảng có cảm giác nóng ran tại các khớp bị tổn thương, nhất là khi vận động khớp. Ngoài ra, thoái hóa khớp còn làm mất tính linh hoạt của khớp.

Tiến triển của thoái hóa khớp bàn, ngón tay

- Viêm khớp ngón tay mạn tính: Đây là biến chứng thường xảy ra sau khi người bệnh bị thoái hóa khớp. Viêm khớp ngón tay là do thoái hóa gây tổn thương, kích hoạt các phản ứng viêm quanh khớp. Nếu không kiểm soát tốt, biến chứng này có khả năng phát triển thành mạn tính.

- Gai xương, biến dạng bàn tay: Gai xương hình thành trong quá trình thích ứng của cơ thể nhằm bù đắp lại những khoảng trống trong khớp, những vùng tiêu của sụn khớp trên bề mặt xương. Tuy nhiên, gai xương xuất hiện lại gây chèn ép, tổn thương các mô mềm, gây đau nhức, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi cử động bàn tay, ngón tay. Trường hợp thoái hóa nặng, có thể dẫn đến tiêu xương gãy xương vi thể. Biến dạng bàn tay, ngón tay gây mất thẩm mỹ, gây nhiều khó khăn cho người bệnh khi cử động hay cầm nắm đồ vật.

- Tàn phế: Nếu kiểm soát tình trạng thoái hóa không đúng cách, người bệnh phải đối mặt với nguy cơ tàn phế rất cao. Khi đó, người bệnh không thể cử động hoặc thực hiện những động tác cầm nắm.

Cần làm gì khi bị thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay?
3 dấu hiệu cho thấy bạn bị thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay- Ảnh 2.
 

Khi có biểu hiện thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay cần đến cơ sở để được thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh và mức độ tổn thương thông qua thao tác khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết như: Chụp X-quang, siêu âm khớp thậm chí chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI), xét nghiệm máu.

Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp, có thể phải sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs); Thuốc chống trầm cảm ba vòng… Người bệnh sẽ được yêu cầu tập vật lý trị liệu.

Tùy theo tình trạng bệnh, các chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân những bài tập tăng cường phù hợp. Tác dụng của các bài tập vật lý trị liệu là duy trì khả năng vận động, sự linh hoạt cho các khớp bàn tay, ngón tay, đồng thời kiểm soát cơn đau, hạn chế tình trạng cứng khớp.

Tập vật lý trị liệu đều đặn còn giúp người bệnh tăng cường sức cơ, ổn định cấu trúc khớp và mô mềm, tăng tầm vận động bàn tay, ngón tay, dễ cầm nắm đồ vật hơn.

Theo suckhoedoisong.vn