Bệnh tăng huyết áp (hay còn gọi là cao huyết áp) là bệnh lý mạn tính, có tỷ lệ người mắc tương đối cao và có xu hướng ngày càng tăng. Kiểm soát tăng huyết áp rất quan trọng vì nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe nguy hiểm khác, thậm chí tử vong.
Tăng huyết áp được chẩn đoán là khi đo huyết áp tại phòng khám có huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Tại Việt Nam, huyết áp cao chiếm trên 35% tổng số ca tử vong toàn quốc.
ThS.BSCKI Ngô Võ Ngọc Hương - Khoa Tim mạch Tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho biết, TP.HCM đang vào thời điểm giao mùa. Đây cũng là thời điểm tạo điều kiện bùng phát các bệnh lý truyền nhiễm lây qua đường hô hấp.
Theo bác sĩ Ngọc Hương, thực tế đại dịch COVID-19 cho thấy, những người trẻ dễ dàng vượt qua khi mắc COVID-19 thì ngược lại những người lớn tuổi, mắc bệnh tăng huyết áp mạn tính lại chật vật hơn, khó chịu hơn. Việc huyết áp không được kiểm soát đầy đủ, có những lúc cao không điều chỉnh ổn, hoặc có những lúc người bệnh quên thuốc, bỏ thuốc khiến COVID-19 đẩy bệnh lý này thêm tồi tệ hơn, thậm chí mắc các biến chứng nguy hiểm như: Nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, tổn thương thận, mắt... Do vậy những người cao tuổi mắc bệnh tăng huyết áp cần đặc biệt lưu ý về những điều này.
Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm và phổ biến hiện nay. Ảnh minh họa.
Làm gì để điều trị ổn định bệnh tăng huyết áp?
Theo bác sĩ Nguyệt Hương, tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính nên nếu mắc bệnh tăng huyết áp thì người bệnh đừng suy nghĩ là chỉ bị trong 1 hay 2 ngày rồi huyết áp lại thôi điều trị.
Theo đó, người bệnh cần phải bảo vệ sức khỏe trước bệnh tăng huyết áp mỗi ngày, cụ thể đến từ thức ăn, lối sống, vận động, suy nghĩ, thậm chí trong cả giấc ngủ.
Việc uống thuốc mỗi ngày theo kê toa của bác sĩ là điều cần như tiên quyết đối với bệnh tăng huyết áp. Tuy nhiên thức ăn, lối sống... cũng rất quan trọng. Các yếu tố này sẽ giữ huyết áp ổn định ở mức cho phép được bên cạnh việc dùng thuốc theo toa mỗi ngày. Cụ thể:
1 Đầu tiên là hạn chế ăn mặn, giảm ăn những món có nhiều vị muối như: đồ khô, đồ hộp hoặc các món bán ngoài vỉa hè... Bởi lẽ, lượng muối vào cơ thể nhiều sẽ gây giữ nước, làm huyết áp tăng lên rất nhiều. Cho nên thói quen ăn uống tại nhà, tự chế biến và nêm gia vị phù hợp với từng đối tượng trong gia đình chính là một biện pháp bảo vệ tăng huyết áp.
2. Bước tiếp theo để điều trị ổn định bệnh tăng huyết áp là đời sống vận động. Bác sĩ Hương cho hay, một người thụ động, không vận động gì cả, chỉ vận động nhẹ nhàng ở trong nhà sẽ khiến cơ thể phì nhiêu, làm cho cơ thể nặng nề dẫn tới nguy cơ tăng huyết áp.
Để bảo vệ những người bệnh tăng huyết áp, thói quen vận động tích cực mỗi ngày như: dậy sớm hơn đi bộ quanh công viên, dọn dẹp vệ sinh trong nhà, tưới cây, chăm sóc thú cưng...
3. Tiếp đó là nghỉ ngơi, nghỉ dưỡng hoặc ngủ đủ giấc, giữ cho cuộc sống nhẹ nhàng, an nhiên, thư giãn.
Theo bác sĩ Nguyệt Hương, khi chúng ta bực bội, căng thẳng, gây gổ với nhau... thì đó cũng là một yếu tố tăng huyết áp. "Bởi vậy, chúng ta phải học cách thư giãn nhẹ nhàng, thư thái, yêu thương lẫn nhau. Đây là một biện pháp làm cho ta bình an trong tâm hồn và huyết áp giữ ở mức ổn định", bác sĩ Hương chia sẻ.
Theo suckhoedoisong.vn