Theo chuyên gia dinh dưỡng Dương Hương Quỳnh (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF tại Việt Nam), nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em Việt Nam cũng tương đồng với các quốc gia khác. Đó là do tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh, tiêu thụ ít rau, củ và trái cây, thiếu vận động, sử dụng nhiều đồ uống có đường.
"Theo nghiên cứu của UNICEF tại Việt Nam, trên 80% thanh thiếu niên Việt Nam thiếu vận động thể chất và trên 30% thanh thiếu niên uống đồ uống có đường ít nhất một lần mỗi ngày. Trên 50% thanh thiếu niên ăn thức ăn nhanh ít nhất một lần mỗi tuần và trên 50% thanh thiếu niên chưa ăn đủ 5 khẩu phần rau, củ và trái cây mỗi ngày", chuyên gia UNICEF cho biết.
Số liệu cho thấy, mức tiêu thụ đồ uống có đường của trẻ em và thanh thiếu niên tỷ lệ thuận với tỷ lệ thừa cân, béo phì trong nhóm này. Nhóm trẻ tuổi tiêu thụ đồ uống có đường nhiều nhất và bắt đầu từ rất sớm, có thể từ 3 tuổi đến 39 tuổi.
Bà Dương Hương Quỳnh cho rằng: "Đa số bạn trẻ đã có nhận thức về tác hại của việc uống đồ uống có đường nhưng vẫn thường xuyên uống vì hợp khẩu vị, dễ mua, giá rẻ". Việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường có tiềm năng lớn để bảo vệ, cải thiện sức khỏe của trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam.
UNICEF khuyến nghị xây dựng và áp dụng các can thiệp chủ động như: Áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị và nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện.
Bên cạnh đó, cần tăng cường các quy định về ghi nhãn thực phẩm như ghi nhãn dinh dưỡng/hàm lượng đường ở mặt trước, yêu cầu ghi cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ do tiêu thụ nhiều đường.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về ảnh hưởng của đồ uống có đường lên sức khỏe, về sự cần thiết của việc đọc nhãn mác sản phẩm, nhận thức được tác động của quảng cáo và chủ động hạn chế sự tiếp xúc của trẻ em với các quảng cáo thực phẩm không tốt cho sức khỏe.
Áp dụng các biện pháp trong môi trường giáo dục để hạn chế đồ uống có đường, không kinh doanh, quảng cáo, tiếp thị loại đồ uống này trong khuôn viên trường học.
Kiểm soát chặt chẽ hơn việc bán, quảng cáo, tiếp thị, tài trợ các sản phẩm trên các phương tiện truyền thông và trong các sự kiện đại chúng.
"Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em tuyên bố, tất cả các quốc gia cần phải hành động phù hợp để chống lại bệnh tật và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức. Mọi trẻ em đều có quyền được hưởng dinh dưỡng đầy đủ", bà Dương Hương Quỳnh nhấn mạnh.
Để giảm tình trạng tiêu thụ đường không hợp lý và hạn chế tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe, WHO khuyến nghị các quốc gia triển khai kết hợp 3 giải pháp là:
Áp thuế với đồ uống có đường, giáo dục-truyền thông nâng cao nhận thức và hạn chế quảng cáo đồ uống có đường đối với trẻ em.
An Khê