1. Đột quỵ ngày càng trẻ hóa

Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) có nguồn gốc từ các mạch máu não. Đột quỵ có hai thể chính là thiếu máu não (chiếm khoảng 80 - 85%) và chảy máu não (chiếm khoảng 15 - 20%).

Mặc dù có nhiều biện pháp dự phòng nhưng số lượng bệnh nhân đột quỵ ngày càng tăng. Nếu như trước đây, bệnh nhân đột quỵ thường nằm trong độ tuổi từ 50 - 60 trở lên thì nay có xu hướng trẻ hóa dần, thậm chí xảy ra cả ở độ tuổi 20 – 30 tuổi. Nguyên nhân một phần là do sự thay đổi về lối sống, chế độ dinh dưỡng và áp lực công việc.

Đột quỵ não thường xảy ra đột ngột và để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Có đến 90% bệnh nhân phải gánh chịu các di chứng sau cơn đột quỵ như liệt nửa người, suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ dẫn đến giảm, mất khả năng lao động và làm việc… là gánh nặng về tình cảm, kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội.

photo-1661528314583
 

Ảnh minh họa.

2. Yếu tố nguy cơ nào dẫn đến đột quỵ?

* Yếu tố nguy cơ không tác động được

  • Tuổi cao: tuổi càng cao, tỉ lệ bị đột quỵ càng cao
  • Giới tính: Nam giới dễ bị đột quỵ hơn nữ giới
  • Sắc tộc, vùng địa lý
  • Di truyền

* Các yếu tố nguy cơ có thể tác động được

  • Tăng huyết áp
  • Đái tháo đường
  • Các bệnh khác: thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu…
  • Các thói quen không tốt: lạm dụng rượu, hút thuốc lá, chất gây nghiện, ít vận động, kém tập luyện cơ thể, Stress…

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ não có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

Có 5 dấu hiệu báo hiệu đột quỵ là:

  • Đột nhiên thấy thấy tê bì, yếu hoặc liệt nửa người (một bên mặt, tay hoặc chân).
  • Đột nhiên nói khó, nói ngọng, nói líu lưỡi.
  • Đột ngột thấy hoa mắt chóng mặt, mất thăng bằng hoặc phối hợp động tác.
  • Đột nhiên thấy mờ thị lực một hoặc cả hai mắt.
  • Đột ngột thấy đau đầu dữ dội mà không tìm được nguyên nhân.
photo-1661528317825
 

3 giờ đầu tiên khi bệnh nhân bị đột quỵ là "thời gian vàng" để cấp cứu. Ảnh minh họa.

3. Ba giờ vàng cứu người đột quỵ

Khi thấy một người có các triệu chứng kể trên cần đưa nhanh người bệnh đến một cơ sở y tế gần nhất có khả năng khám và điều trị đột quỵ để chẩn đoán xác định, điều trị kịp thời nhằm cứu vãn các vùng não bị tổn thương, điều chỉnh các yếu tố nguy cơ và phục hồi chức năng cho người bệnh bằng nhiều biện pháp chuyên khoa như (làm tan hoặc lấy bỏ cục máu đông gây tắc nghẽn…) nếu có chỉ định.

Bên cạnh đó bệnh nhân sẽ được điều trị các biến chứng và phục hồi chức năng sớm, phát hiện và điều trị những yếu tố nguy cơ làm nặng bệnh, dự phòng tái phát.

 Thông thường, 3 giờ đầu tiên khi bệnh nhân bị đột quỵ là "thời gian vàng" để cấp cứu, hạn chế di chứng và tử vong. Trong giai đoạn này, cứ một phút trôi đi sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh chết dần. Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại khó phục hồi. Bởi vậy không nên cạo gió, trích máu, tự ý dùng thuốc hay để mất thời gian chờ xem người bệnh có khỏe lại không.

4. Khắc phục hậu quả di chứng sau tai biến

Như đã nói ở trên, tỷ lệ bệnh và tử vong đột quỵ ngày càng tăng. Đi cùng với sự gia tăng này là chi phí cho điều trị bệnh giai đoạn cấp và phục hồi là rất lớn. Không những vậy, tỷ lệ tái phát bệnh lại rất cao. Trong năm đầu, tỷ lệ tái phát khoảng 30%, 5 năm sau tỷ lệ cũng khoảng 25-30% và lần tái phát sau sẽ nặng hơn. Bởi vậy, biện pháp dự phòng là rất quan trọng giúp ngăn chặn nguy cơ đột quỵ.

- Phòng ngừa đột quỵ bằng cách thay đổi các yếu tố nguy cơ có thể tác động được ở trên. Theo đó, người cao tuổi cần được khám bệnh định kỳ, đặc biệt là những người có bệnh về tăng huyết áp hoặc có kèm đái tháo đường, tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch. Cảnh giác với nóng, lạnh đột ngột.

- Thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh: Áp dụng chế độ dinh dưỡng đủ chất và cân đối. Hạn chế sử dụng các chất béo, nhất là mỡ động vật và lạm dụng các chất kích thích (rượu, bia, chè đặc, cà phê), giảm lượng muối; ăn tăng lượng rau và hoa quả có chứa nhiều vitamin.

- Uống thuốc dự phòng: Nên sử dụng cho bệnh nhân các thuốc dự phòng đột quỵ não và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,.. có thể gây nên tái phát đột quỵ. Người bệnh cần thường xuyên luyện tập theo khả năng, dưới sự hướng dẫn của chuyên khoa và tránh stress để hồi phục nhanh chóng.

- Những người có nguy cơ cao bị đột quỵ như có bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường… cần được khám theo dõi và điều trị thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa, trong đó quan trọng nhất là kiểm soát tốt tình trạng huyết áp, đường huyết, giảm mỡ máu, giảm stress và thay đổi chế độ ăn sẽ giúp giảm được nguy cơ bị đột quỵ.

photo-1661528320091
 

Sau đột quỵ nên ăn tăng lượng rau và hoa quả có chứa nhiều vitamin. Ảnh minh họa.

Để khắc phục hậu quả sau di chứng và chống tái phát, bệnh nhân đột quỵ sau điều trị tại viện cần tuân thủ việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ ít nhất trong vòng 3 tháng đầu tiên. Các thuốc giảm tình trạng vữa xơ mạch máu, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống đông máu và các thuốc kiểm soát yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường… cần sử dụng đúng liều lượng và theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Bởi những nhóm thuốc này giúp phòng ngừa sự hình thành huyết khối, nhưng có những tác dụng không mong muốn như kích thích và biến chứng chảy máu tiêu hóa.

Các thuốc tiêu huyết khối chỉ được sử dụng trong thời gian "cửa sổ vàng" của đột quỵ tắc mạch não và có những chỉ định rất ngặt nghèo, chỉ được sử dụng tại các cơ sở chuyên khoa đột quỵ có đủ điều kiện và phương tiện theo dõi cũng như cấp cứu, mặt khác giá thành cao.

Mọi người cũng cần duy trì các thuốc phòng ngừa lâu dài. 3 giờ đầu tiên khi bệnh nhân bị đột quỵ là "thời gian vàng" để cấp cứu chế tái phát sau đột quỵ.

Bên cạnh đó, các bệnh nhân nên tập luyện sớm, có thể bắt đầu sau 24 hoặc 48 giờ khi đã qua giai đoạn đột quỵ cấp. Việc tập vận động sớm sẽ làm giảm các biến chứng khác như viêm phổi, loét do tì đè và phục hồi nhanh vận động...

Theo suckhoedoisong.vn