Triệu chứng đặc trưng của hen phế quản

  • Khó thở, khò khè, thở rít, đặc biệt khi thở ra. Cơn khó thở thường về đêm, theo mùa, sau một số kích thích (cảm cúm, gắng sức, thay đổi thời tiết, khói bụi).
  • Một số bệnh nhân trước khi vào cơn hen có thể có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan, buồn ngủ...
  • Cơn khó thở điển hình: Lúc bắt đầu khó thở chậm, có tiếng cò cử người khác cũng nghe được, khó thở tăng dần, sau có thể khó thở nhiều, vã mồ hôi, nói từng từ hoặc ngắt quãng. Cơn khó thở kéo dài 5- 15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày. Cơn khó thở giảm dần và kết thúc với ho và khạc đờm. Đờm thường trong, quánh, dính. Khám trong cơn hen thấy có ran rít, ran ngáy lan tỏa 2 phổi.

Điều trị hen phế quản

 
leftcenterrightdel
 
                            Hắt hơi, sổ mũi, ngứa... là triệu chứng điển hình của hen phế quản.

Bệnh hen phế quản khó có thể khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị thì hen có thể được kiểm soát. Việc phối hợp giữa biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc là cần thiết để có thể ngăn chặn được những cơn hen phế quản cấp.

Mục tiêu dài hạn của điều trị hen là kiểm soát tốt triệu chứng hen và duy trì khả năng hoạt động bình thường, giảm thiểu nguy cơ trong tương lai gồm tử vong do hen, đợt cấp, giới hạn luồng khí dai dẳng và tác dụng phụ của thuốc.

Điều trị hen là chu trình liên tục bao gồm: đánh giá mức độ của bệnh nhân, điều chỉnh thuốc và đánh giá đáp ứng, có thể tăng bậc hoặc giảm bậc điều trị hen.

Người bệnh hen cần lưu ý điều gì?

Tuy hen phế quản không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu thực hiện theo đúng phác đồ điều trị sẽ giúp kiểm soát hiệu quả các triệu chứng hen, đồng thời, ngăn ngừa các cơn hen cấp tính. Người bệnh có thể tham khảo một vài cách kiểm soát hiệu quả các triệu chứng hen.

1. Tăng đề kháng cho cơ thể

Một cơ thể khỏe mạnh cũng là một cách phòng bệnh hen phế quản rất tốt. Có nhiều cách để tăng đề kháng cho cơ thể và việc xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học là điều vô cùng quan trọng. Chế độ ăn hàng ngày cần đảm bảo cân bằng các nhóm dưỡng chất như: chất đạm, chất béo, chất xơ… Bên cạnh đó, bạn có thể tăng cường các loại rau củ, trái cây giàu vitamin như bưởi, cam…

Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây như: dưa vàng, cam, bưởi, trái kiwi, súp lơ xanh và cà chua… Những loại thực phẩm này giúp giảm triệu chứng thở khò khè và viêm mũi dị ứng nhờ vào lượng chất oxy hóa cao.

Người bệnh hen suyễn nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin D bao gồm sữa, nấm, cá hồi và trứng. Một số nghiên cứu ghi nhận bổ sung vitamin D hàng ngày góp phần làm giảm số lần nhập viện ở bệnh nhân hen nặng. Vitamin D được cho là có thể làm giảm nhiễm trùng đường hô hấp trên và cải thiện chức năng phổi ở trẻ em và người lớn bị hen suyễn.

Tập thể dục, thể thao đều đặn cũng là yếu tố giúp tăng sức đề kháng. Khi tập thể dục, cùng với các cơ thì phổi sẽ được tăng sức mạnh, ngăn ngừa những cơn hen suyễn xảy ra. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý vận động phù hợp, nhẹ nhàng trong điều kiện thời tiết hạ thấp như hiện nay.

Ngoài ra, cũng nên tiêm phòng cúm, phế cầu hàng năm để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Với các bệnh lý đường Tai – Mũi – Họng, khi có triệu chứng, cần thăm khám và điều trị sớm vì có thể là nguyên nhân kích thích các cơn hen phế quản khởi phát hoặc nặng hơn.

2. Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng

Một trong những nguyên nhân kích thích cơn hen phế quản ở người bệnh là việc tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như:

  • Dị nguyên đường hô hấp: thường là bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông động vật, khói thuốc lá, các con bọ sống trong chăn nệm… Cũng có thể là những chất trong công nghiệp như: bụi kim loại, khói xăng dầu, hơi sơn…
  • Dị nguyên thực phẩm: Các loại hải sản (tôm, cua, cá, sò…), trứng, thịt gà, lạc.
  • Thuốc: Một số loại thuốc cũng có thể là yếu tố khởi phát cơn hen, như aspirin, penicillin…
  • Tác nhân nhiễm khuẩn: Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như: viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan… là một trong những nguyên nhân gây ra cơn hen ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng.

Vì vậy, người bệnh hen cần hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng bằng cách sử dụng khẩu trang khi ra ngoài, tránh tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng, hạn chế tiếp xúc, hút khói thuốc thụ động.

Không nên nuôi các con vật có nhiều lông trong nhà như chó, mèo, chim cảnh… Nếu là người dễ bị kích ứng với mùi hoặc lông của các loài động vật trên thì bạn không nên nuôi chúng trong nhà.

Phòng ô nhiễm không khí: Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, có thể sử dụng máy lọc không khí. Không sử dụng các loại thuốc có thể khiến bệnh hen nặng lên như thuốc kháng viêm không steroid, thuốc chẹn bê ta giao cảm… Kiêng ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng: cua, tôm, rượu bia…

3 lưu ý để kiểm soát hiệu quả các triệu chứng hen phế quản- Ảnh 2.
 

Lau dọn nhà cửa sạch sẽ để phòng bệnh.

3. Giữ ấm cơ thể

Nhiệt độ hạ thấp cũng là một trong những nguyên nhân gây nên các cơn suyễn. Chính vì vậy, cần giữ ấm cơ thể, tránh để thân nhiệt bị hạ. Trang bị tất, găng tay, mũ giữ ấm cơ thể khi cần đi ra ngoài cũng là cách phòng bệnh hen phế quản hiệu quả.

Vì không khí lạnh được xem là một trong những "kẻ thù" gây ra các đợt hen suyễn cấp và nhiều bệnh lý hô hấp thông thường khác. Do đó, người bệnh hen suyễn phải luôn chú ý giữ ấm cơ thể đặc biệt vào những thời điểm giao mùa, dịp cuối năm khi không khí bắt đầu trở lạnh.

Tóm lại, hen phế quản là một bệnh viêm đường hô hấp mạn tính, được khởi phát bởi các yếu tố kích thích (thường là tác nhân dị ứng). Việc kiểm soát hen tốt sẽ giúp bệnh nhân giảm cơn hen phế quản cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo suckhoedoisong.vn