Bệnh trĩ là chứng giãn tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn. Các tĩnh mạch bề mặt ở khu vực này, được gọi là tĩnh mạch trĩ, có thể bị viêm và xoắn khi mang thai.

Bệnh trĩ có thể ở bên trong, nơi các tĩnh mạch nổi lên ở phần dưới trực tràng hoặc bên ngoài, nơi các tĩnh mạch nổi lên xung quanh lỗ hậu môn. Sự giãn nở tĩnh mạch này dễ gây ngứa, rát, đau nhức, sưng tấy toàn thân, đau khi đi tiêu và chảy máu từ trực tràng. Mức độ nghiêm trọng của bệnh trĩ khác nhau, từ kích ứng nhẹ đến búi trĩ gây đau đớn.

1. Nguyên nhân gây bệnh trĩ khi mang thai?

3 lý do khiến bà bầu dễ mắc bệnh trĩ - Ảnh 1.

Bệnh trĩ phổ biến hơn khi mang thai.

Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ phần lớn giống nhau dù là phụ nữ có thai hay những người khác, chúng được gây ra bởi áp lực vùng bụng và vùng chậu cao. Khi áp lực tích tụ ở phần giữa, điều này có thể làm cho các tĩnh mạch trực tràng sưng lên và nhô ra ngoài.

Tuy nhiên, với bà bầu quá trình mang thai sẽ gây ra áp lực ở bụng cao hơn khi bụng to lên để chứa em bé đang lớn. Căng thẳng xảy ra khi thực hiện các hành động như cố gắng đi đại tiện cũng góp phần gây ra áp lực trong ổ bụng. Các tác động vật lý của việc mang thai, chẳng hạn như thay đổi nội tiết tố và táo bón khiến phụ nữ mang thai dễ bị tổn thương hơn.

Bệnh trĩ dễ xảy ra khi mang thai vì đây là lúc các nguyên nhân phổ biến hơn. Điều này là do một số yếu tố, bao gồm:

1.1. Áp lực gia tăng

Tử cung ngày càng mở rộng và trọng lượng của em bé đang lớn sẽ gây thêm áp lực lên các tĩnh mạch vùng chậu và tĩnh mạch chủ dưới. Điều này làm chậm quá trình quay trở lại của máu từ phần dưới cơ thể, có thể gây ra tình trạng ứ đọng máu và sưng tĩnh mạch trực tràng.

1.2. Thay đổi nội tiết tố

Hormone progesterone tăng cao trong suốt thời kỳ mang thai để duy trì thai kỳ khỏe mạnh. Một tác dụng phụ của progesterone là làm suy yếu hoặc giãn thành tĩnh mạch, bao gồm cả tĩnh mạch trực tràng. Những thành tĩnh mạch bị suy yếu này dễ bị sưng tấy hơn.

1.3. Táo bón

Nội tiết tố thai kỳ có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, dẫn đến phân khô và cứng hơn. Áp lực bụng và thay đổi chế độ ăn uống cũng có nguy cơ gây táo bón khi mang thai. Khi phụ nữ bị táo bón, họ thường cố gắng đẩy phân ra ngoài. Sự căng thẳng này càng làm tăng thêm áp lực vùng chậu và có thể gây ra bệnh trĩ khi mang thai.

2. Điều trị bệnh trĩ khi mang thai

3 lý do khiến bà bầu dễ mắc bệnh trĩ - Ảnh 3.

Phụ nữ mang thai cần uống đủ nước, bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống để phòng bệnh trĩ do táo bón.

Điều trị bệnh trĩ khi mang thai chủ yếu bao gồm việc kiểm soát các triệu chứng bằng sự kết hợp giữa các biện pháp tự chăm sóc và can thiệp y tế:

Uống nhiều nước: Lượng nước uống hàng ngày được khuyến cáo là 3 lít (tương đương với 10 - 12 cốc) với phụ nữ mang thai và cần hạn chế nhịn đi đại tiện quá lâu.

Ngâm trong nước ấm: Ngâm mình trong bồn chứa đầy nước ấm nhưng không cho xà phòng hoặc bồn tắm bong bóng vào nước.

Tránh ngồi trong thời gian dài: Ngồi lâu gây áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng do đó không nên ngồi một chỗ quá lâu, hãy đứng lên và di chuyển. Nên nghỉ giải lao thường xuyên hoặc ngồi trên gối dành cho người mắc trĩ.

Sử dụng thuốc không kê đơn: Có thể dùng kem bôi trĩ hoặc thuốc đặt trực tràng an toàn để sử dụng trong thai kỳ.

Táo bón góp phần gây ra bệnh trĩ khi mang thai. Để giảm hoặc ngăn ngừa táo bón, phụ nữ mang thai cần uống đủ nước, bổ sung đủ lượng chất xơ trong chế độ ăn uống bằng cách ăn nhiều trái cây, rau quả. Hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn dùng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung chất xơ nào cũng như loại thuốc làm mềm phân an toàn khi mang thai.

Theo suckhoedoisong.vn