Ngó sen có tên khoa học là Nodus Nelumbinis Rhizomatis, là phần non nhất của cọng lá sen, nằm sát gốc của cây sen, sau khi phát triển và già đi sẽ được gọi là củ sen. Bộ phận này đặc trưng với lớp vỏ bên ngoài màu nâu nhạt, bên trong là các khoang rỗng hình nan hoa, mềm xốp và trắng hồng.
1. Tại sao người bị sốt xuất huyết nên bổ sung ngó sen vào chế độ ăn uống?
Trong quá trình điều trị sốt xuất huyết, chế độ ăn uống đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp người bệnh tăng cường sức đề kháng, làm giảm nguy cơ bệnh trở nặng và đặc biệt giúp người bệnh nhanh phục hồi.
Vậy ngó sen có tác dụng gì đối với sức khỏe và có lợi ích gì đối với những người bị sốt xuất huyết?
Ngó sen có tác dụng gì đối với người bệnh sốt xuất huyết? (Ảnh: Internet)
1.1. Ngó sen giàu giá trị dinh dưỡng
Ngó sen có chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu đối với cơ thể như: natri, carbohydrate, chất xơ, đường, chất đạm, vitamin C và B. Nhờ có giá trị dinh dưỡng cao nên bổ sung ngó sen vào chế độ ăn uống sẽ giúp người bệnh sốt xuất huyết tăng cường sức khỏe, nhanh chóng hồi phục.
1.2. Giúp hạ sốt
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngó sen có tác dụng hạ sốt vì loại thực phẩm này có thể làm mát cơ thể. Do vậy, người bệnh bị sốt xuất huyết có thể ăn một bát cháo ngó sen ấm để giúp hạ nhiệt cơ thể một cách nhanh chóng.
1.3. Chữa các chứng xuất huyết
Theo Đông y, ngó sen có tác dụng thanh nhiệt, tán ứ, làm cho hết nôn (chỉ ẩu), giải khát, tỉnh rượu, giúp cầm huyết chỉ huyết do vậy có lợi cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Hơn nữa, ngó sen còn được sử dụng để điều trị chảy máu cam, đờm có máu, đại tiện ra máu và tiểu ra máu.
Theo Đông y ngó sen giúp cầm huyết chỉ huyết do vậy có lợi cho bệnh nhân sốt xuất huyết (Ảnh: Internet)
1.4. Tác dụng khác của ngó sen
Không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho người bị sốt xuất huyết, ngó sen còn đem lại nhiều lợi ích sức khoẻ khác như:
- Tốt cho sức khỏe tim mạch: Nhiều chất dinh dưỡng trong ngó sen có lợi cho sức khỏe tim mạch, đặc biệt là kali- dưỡng chất này hoạt động như một chất giãn mạch, làm giảm căng thẳng trong thành mạch máu, từ đó giúp kiểm soát huyết áp. Ngoài ra, folate và vitamin C trong ngó sen cũng có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim.
- Tốt cho hệ tiêu hóa: Trong ngó sen chứa hàm lượng chất xơ cao nên bổ sung thực phẩm này thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón cũng như hỗ trợ sự phát triển của những vi khuẩn có lợi, giúp tăng cường sức khỏe.
- Tốt cho mẹ bầu: Trong thành phần dinh dưỡng của ngó sen có chứa folate (vitamin B9). Cung cấp đủ folate trong thời kỳ mang thai có thể ngăn ngừa các khuyết tật bẩm sinh nguy hiểm, bao gồm dị tật ống thần kinh, có thể xảy ra sớm trong thai kỳ. Hơn nữa, ngó sen cung cấp choline, sắt và canxi - những vi chất dinh dưỡng này cũng hỗ trợ một thai kỳ khỏe mạnh.
- Có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm: Ngó sen có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, có nghĩa là thực phẩm này có thể chống lại các dấu hiệu lão hóa, ngăn ngừa các bệnh mãn tính và điều trị các tình trạng viêm nhiễm.
2. Cách bổ sung ngó sen vào chế độ ăn uống cho người bị sốt xuất huyết
Có rất nhiều cách có thể bổ sung ngó sen vào chế độ ăn uống cho người bị sốt xuất huyết, mọi người có thể tham khảo một số cách sau:
- Cháo ngó sen
Để nấu cháo ngó sen, mọi người chuẩn bị các nguyên liệu như gạo, ngó sen, thịt bằm, hành, rau củ tuỳ theo sở thích.
Sau đó, các bạn sơ chế sạch sẽ ngó sen, hành, rau, cùng thời gian đó bạn cho gạo đã được vo sạch cùng lượng nước phù hợp (tỷ lệ 1 gạo 3 nước sẽ vừa ngon) lên bếp đun. Tiếp theo cho thịt bằm, ngó sen, rau củ xào chín và nêm gia vị vừa miệng. Đến khi cháo đã chín, bạn múc cháo ra bát và cho phần thịt, ngó sen vừa xào chín lên trên, thêm một chút hành lá hoặc rau thơm yêu thích là bạn có thể thường thức.
Người bệnh sốt xuất huyết có thể ăn cháo, canh từ ngó sen để tăng cướng sức khỏe (Ảnh: Internet)
- Canh ngó sen
Canh ngó sen có thể kích thích vị giác cho người bị sốt xuất huyết và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, giúp người bệnh nhanh hồi phục. Cách làm canh ngó sen rất đa dạng nhưng đơn giản nhất là mọi người có thể mua xương về hầm, sau đó cho ngó sen vào nấu nhừ. Người bệnh có thể ăn canh không hoặc ăn cùng với cơm.
Nếu có nhiều thời gian và nguyên liệu hơn, mọi người có thể nấu theo cách sau: Củ sắn dây 50g, cắt khúc nhỏ hoặc thái mỏng từng lát, ngó sen 100g thái nhỏ từng lát, đường thốt nốt 50g, đậu xanh không vỏ 30g, thịt nạc băm nhỏ 50g, tất cả cho vào nấu canh, có thể thay đường thốt nốt bằng bột canh nếu không thích ăn ngọt. Món canh được nấu như này giúp thể trạng người bệnh khỏe mạnh, ngủ ngon và giảm áp lực về thần kinh do bệnh sốt xuất huyết.
- Bài thuốc chữa sốt xuất huyết từ ngó sen
Ngoài cách chế biến trong chế độ ăn uống, người bị sốt xuất huyết có thể tham khảo bài thuốc chữa bệnh từ bộ phận này của cây sen: Ngó sen 50g, lá sen 40g, rau má 30g, bông mã đề 20g. Sắc uống trong ngày.
3. Lưu ý khi bổ sung ngó sen vào chế độ ăn uống cho người bệnh sốt xuất huyết
Mặc dù có nhiều lợi ích đối với người bị sốt xuất huyết. Tuy nhiên, khi dùng ngó sen mọi người nên lưu ý:
- Không xảy ra phổ biến nhưng ngó sen cũng có thể gây dị ứng. Các triệu chứng dị ứng ngó sen có thể bao gồm nổi mề đay, thở khò khè, sưng lưỡi hoặc chóng mặt.
- Ngó sen giúp người bị sốt xuất huyết tăng cường sức khoẻ và làm giảm triệu chứng nhanh chóng nhưng người bệnh tuân thủ các chỉ định điều trị khác như sử dụng thuốc, đa dạng các nguồn thực phẩm trong chế độ ăn uống.
- Theo dân gian, ngó sen có thể chữa chứng xuất huyết. Tuy nhiên, sốt xuất huyết khá nguy hiểm, đặc biệt có những chủng gây bệnh nặng. Do đó, nếu thấy cơ thể xuất hiện tình trạng xuất huyết, người bệnh không tự ý điều trị tại nhà, nên đến bệnh viện sớm nhất có thể để phòng ngừa các biến chứng.
- Ngó sen chứa nhiều chất xơ nên dễ gây đầy bụng, khó tiêu. Do đó, người bị dạ dày hoặc hội chứng kích thích đường ruột thì nên dùng với lượng vừa phải.
- Liều lượng khuyến cáo hàng ngày khi dùng ngó sen là 10 - 30g, khi dùng dưới dạng thuốc sắc. Nếu dùng dạng tươi có thể bổ sung khoảng từ 30 - 60g.
Vân Anh