Tháng 12/2021, chia sẻ với truyền thông, bác sĩ Mao Tăng Huy, Giám đốc Trung tâm Sinh sản của Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em tại Hồ Nam (Trung Quốc) cho biết, cô đã tiếp nhận 5 cặp mẹ con đến khám một ngày. Điều ngạc nhiên là cả 5 cô gái được mẹ đưa đến đều đang học đại học và 3 cô trong số đó được chẩn đoán suy buồng trứng sớm, có thể vô sinh. Tất cả họ đều có chung một đặc điểm là "thức khuya để chơi trò chơi".
Trẻ tuổi nhất trong số đó là Tiểu Quyên, 20 tuổi, sinh viên năm thứ 3 của một trường Cao đẳng ở Hồ Nam (Trung Quốc). Hai năm trước, cô bị "cuốn" vào một trò chơi trên điện thoại di động nên thường thức khuya để chơi với một vài người bạn, thậm chí chơi đến 2-3 giờ sáng là chuyện bình thường. Nửa năm gần đây, cô phát hiện ra mình luôn mất ngủ, hay đổ mồ hôi, kinh nguyệt cũng không bình thường, vì vậy đã năn nỉ mẹ đến bệnh viện để thăm khám. Kết quả, cô được chẩn đoán là suy buồng trứng sớm. Nghe nói có thể vô sinh suốt đời, hai mẹ con không ngừng chảy nước mắt.
Suy buồng trứng sớm là hiện tượng vô kinh trước tuổi 40 do suy buồng trứng, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 25 đến 35 tuổi. Mới hai mươi tuổi, chính là năm tháng rực rỡ nhất trong cuộc đời cô gái, nhưng lại phải nhận tin buồn là "buồng trứng sớm", Tiểu Quyên cảm thấy suy sụp vô cùng.
Bác sĩ Mao Tăng Huy nói rằng bệnh nhân suy buồng trứng sớm ngày càng trẻ hóa, trong đó có không ít trường hợp liên quan đến thức khuya kéo dài. Các kích thích tố khác nhau cần thiết cho cơ thể được tiết ra mạnh nhất vào ban đêm, từ 10 giờ đến 11 giờ tối. Đây là khoảng thời gian đỉnh cao của sự tiết hormone tăng trưởng, có lợi cho các chức năng cơ thể, bao gồm cả sự phục hồi chức năng buồng trứng. Và thức khuya làm gián đoạn sự phục hồi chức năng buồng trứng, về lâu dài, sẽ gây ra sự suy giảm sớm của buồng trứng.
Suy buồng trứng sớm có một số triệu chứng điển hình như: Thời kỳ kinh nguyệt rút ngắn hoặc kéo dài, các chu kỳ kinh nguyệt khác không đều, thậm chí xuất hiện hiện tượng vô kinh. Ngoài ra còn đi kèm với một loạt các triệu chứng estrogen thấp, chẳng hạn như nóng bừng đổ mồ hôi, đỏ mặt, ham muốn "chuyện ấy" giảm, hoặc mất ngủ, suy giảm trí nhớ, khô âm đạo, thường xuyên tái phát viêm âm đạo, nhiễm trùng niệu đạo... Nghiêm trọng hơn, phụ nữ bị suy buồng trứng sớm có nguy cơ vô sinh cao.
Bởi vậy, nếu có những triệu chứng này, chị em cần đến bệnh viện để lấy máu xét nghiệm, có thể kiểm tra hormone vào ngày thứ ba của kỳ kinh nguyệt và sớm được điều trị tích cực dựa trên kết quả kiểm tra.
Có rất nhiều nguyên nhân gây suy buồng trứng sớm, chẳng hạn như giảm cân quá mức dẫn đến giảm mạnh chất béo trong cơ thể ảnh hưởng đến mức độ estrogen trong cơ thể. Giảm estrogen dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, thậm chí xuất hiện vô kinh và ức chế rụng trứng, dẫn đến suy buồng trứng sớm.
Căng thẳng tâm lý quá mức ở phụ nữ cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của các triệu chứng mãn kinh tiềm ẩn. Ngoài ra còn có nhiễm virus, bệnh miễn dịch, rụng trứng quá mức, hút thuốc và uống rượu thường xuyên... cũng là nguyên nhân góp phần làm tăng khả năng suy buồng trứng sớm.
Thức khuya còn có nhiều tác hại không tưởng khác
Không phải tự nhiên mà các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên đi ngủ trước 11 giờ đêm. Nếu thức quá khuya, lại diễn ra liên tục trong thời gian dài thì sẽ rất có hại cho cơ thể, cụ thể là dẫn đến các bệnh như: Tiểu đường, tăng huyết áp, ung thư...
1. Thức khuya dễ dẫn đến bệnh tiểu đường
Trong một phân tích tổng hợp vào tháng 1/2022 được công bố trên tạp chí Advances in Nutrition, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người thường xuyên thức đêm có "nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn đáng kể so với những người khác.
Các chuyên gia nội tiết cho biết, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, nếu thường xuyên ngủ muộn sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, cũng giống như hạt giống gặp phải môi trường thích hợp thì rễ sẽ sớm nảy mầm.
2. Tăng huyết áp, dễ dẫn đến đột tử
Các bác sĩ tim mạch cho biết, ngủ muộn trong thời gian dài, dẫn đến thiếu ngủ là một yếu tố gây bệnh huyết áp cao. Điều này cũng làm cho những người thức khuya có nguy cơ mắc các loại bệnh tim mạch và mạch máu não đột ngột tăng lên rất nhiều, dễ dẫn đến đột tử.
Đây cũng là kết quả được rút ra thì một nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã theo dõi 219 người mất ngủ mãn tính và 96 người bình thường trong một phòng thí nghiệm giấc ngủ chuyên dụng và kết luận, mất ngủ có khả năng gia tăng các chứng huyết áp cao, từ đó làm tăng nguy cơ đột tử.
3. Tăng nguy cơ ung thư
Các yếu tố miễn dịch của con người chủ yếu được hình thành trong giấc ngủ. Ngủ muộn kéo dài, thường xuyên thức khuya sẽ dẫn đến giảm khả năng miễn dịch, từ đó xuất hiện mệt mỏi, tinh thần không ổn định, dễ bị cảm lạnh bất thường.
Khả năng miễn dịch là một rào cản tự nhiên cho cơ thể chống lại ung thư. Suy giảm khả năng miễn dịch có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư. Một số nghiên cứu đã xác nhận rằng thức khuya có liên quan chặt chẽ đến sự gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư vú và ruột kết.
Nguyên nhân là do phụ nữ thức khuya trong một thời gian dài có thể dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. Trên tạp chí Molecular Biology, nhóm nghiên cứu của PGS. Finkielstein (nhà sinh vật học của ĐH Công nghệ Virginia, Mỹ) đã công bố kết quả nghiên cứu: Có chu kỳ giấc ngủ của cơ thể tốt hay nhịp sinh học điều độ sẽ giúp các protein làm việc hiệu quả và có thể bảo vệ con người tránh các bệnh ung thư.
4. Gây suy nhược thần kinh
Dây thần kinh giao cảm của con người nên nghỉ ngơi vào ban đêm, sự phấn khích ban ngày, để hỗ trợ công việc của một người trong ngày, trong khi các dây thần kinh giao cảm của người thức khuya là hưng phấn vào ban đêm.
Ngủ muộn, thức khuya vào ngày hôm sau, dây thần kinh giao cảm khó có thể hưng phấn đầy đủ, sẽ làm cho một người không có tinh thần, chóng mặt, giảm trí nhớ, thiếu tập trung, phản ứng chậm chạp, hay quên, đau đầu... Trong một thời gian dài sẽ xuất hiện suy nhược thần kinh, mất ngủ và các vấn đề nghiêm trọng khác.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu năm 2017 đăng trên Tạp chí Nhịp điệu Sinh học, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những "cú đêm" có nhiều khả năng kìm nén cảm xúc của mình và hay có suy nghĩ tiêu cực hơn so với người ngủ sớm dậy sớm.
5. Suy giảm khả năng sinh sản
Đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nếu thường xuyên ngủ muộn, thức khuya, sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động và số lượng tinh trùng đối với nam giới. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến sự tiết hormone nữ và chất lượng trứng, từ đó ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và khả năng thụ thai.
T.L
Nguồn: Sohu, Health, News Medical