Ho có đờm ở trẻ là tình trạng dịch của đường hô hấp như dịch khí quản, phế nang, họng, xoang hàm, xoang trán, hốc mũi,… làm cản trở đường hô hấp. Ho không phải là bệnh mà là một phản xạ có điều kiện, giúp đẩy các chất dịch hay tác nhân gây kích ứng ra bên ngoài.
Đối với những trẻ có dấu hiệu ho kèm đờm nhẹ, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh vừa và nặng thì cần điều trị y tế.
Tuy nhiên, một số sai lầm mà các cha mẹ thường mắc phải khi điều trị ho đờm cho trẻ có thể khiến bệnh lâu khỏi hoặc dễ tái phát nhiều lần.
1. Nguyên nhân gây ho đờm ở trẻ
Ho có đờm thường là dấu hiệu của nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus. Toàn bộ hệ thống hô hấp của bạn được lót bằng màng nhầy. Chất nhầy thực hiện nhiều chức năng có ích đối với cơ thể như giữ ẩm cho đường hô hấp và bảo vệ phổi khỏi các chất kích thích.
Tuy nhiên, khi virus, vi khuẩn xâm nhập, cơ thể bạn sẽ tiết ra nhiều chất nhầy hơn bình thường để giúp bẫy và trục xuất các sinh vật gây nhiễm trùng. Lúc này, ho sẽ giúp cơ thể loại bỏ tất cả các chất nhầy dư thừa bị mắc kẹt trong phổi và ngực. Thực chất, ho là phản xạ có ích đối với cơ thể, nhưng ho lâu ngày có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khoẻ của người bệnh.
Nếu tình trạng ho đờm diễn ra trên 1 tuần, có thể trẻ gặp phải một số tình trạng sức khoẻ như:
- Viêm phế quản cấp: Viêm phế quản là tình trạng viêm các ống phế quản, các ống dẫn không khí vào phổi. Viêm phế quản cấp tính thường do nhiều loại virus gây ra.
- Viêm phổi: Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổi do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, viêm phổi khá nguy hiểm và có thể gây ra nhiều biến chứng.
- Hen suyễn: Hen suyễn thường gây ho khan, nhưng ở một số người hen suyễn có thể làm tăng tiết dịch, gây ra tình trạng ho có đờm.
|
|
Ho có đờm thường là dấu hiệu của nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus (Ảnh: ST) |
2. 3 sai lầm khi điều trị ho đờm ở trẻ
Thông thường ho là tình trạng không quá nghiêm trọng nhưng cũng cần có phương pháp điều trị đúng cách. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ thường mắc phải 3 sai lầm phổ biến khi điều trị ho đờm cho trẻ.
2.1. Dùng kháng sinh không có chỉ định
Nhiều cha mẹ cho rằng kháng sinh là "thuốc vạn năng" nên khi trẻ ho, đau họng,… điều đầu tiên là cha mẹ tự ý mua thuốc kháng sinh cho con sử dụng mà không có chỉ định từ bác sĩ.
Thực chất, cảm cúm, cảm lạnh cũng như hầu hết các bệnh ho và viêm họng đều do virus gây ra, mà kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng trong việc điều trị các bệnh lý nguyên nhân do virus. Thuốc kháng sinh chỉ hữu ích đối với nhiễm trùng do vi khuẩn. Vì vậy, chỉ khi nào ho đi kèm với tình trạng nhiễm khuẩn, kháng sinh mới có tác dụng điều trị.
Có một thực trạng đáng báo động, do lạm dụng thuốc kháng sinh trong những năm qua, vi khuẩn ngày càng trở nên kháng thuốc và khó quản lý hơn nhiều. Một số chủng vi khuẩn hiện có khả năng kháng hầu hết mọi loại kháng sinh hiện có. Do đó, cha mẹ không nên tự ý dùng kháng sinh cho trẻ, vì điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh sau này.
2.2. Tự ý ngưng sử dụng thuốc
Hầu hết mọi người đều có thói quen dùng thuốc đến khi các triệu chứng thuyên giảm mà không tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ.
Tuy nhiên, khi các triệu chứng giảm không đồng nghĩa với việc cơ thể đã hết virus, vi khuẩn. Lúc này, trong cơ thể vẫn còn mầm bệnh, nếu hệ miễn dịch suy yếu thì bệnh cũ có thể tái phát và có thể gây bệnh nghiêm trọng hơn.
|
|
Việc tự ý ngưng thuốc cho con mà không tuân theo chỉ định của bác sĩ có thể khiến trẻ bị ho tái phát nhiều lần (Ảnh: ST) |
2.3. Chế độ ăn uống chưa khoa học
Ngoài việc điều trị bằng thuốc, chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục hơn.
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ kiêng khem quá mức cho con, cho rằng khi bị ho không nên ăn tôm, thịt gà hoặc đồ ăn tanh. Tuy nhiên, các thực phẩm này thường có nguy cơ gây dị ứng với những trẻ bị hen suyễn hoặc dị ứng theo mùa. Trẻ bị ho vẫn có thể ăn uống bình thường.
Việc kiêng khem như vậy có thể khiến trẻ bị thiếu chất, hệ miễn dịch yếu nên làm chậm quá trình hồi phục bệnh.
Ngoài ra, khi trẻ bị ho, cha mẹ nên bổ sung cho con các loại thực phẩm như rau củ quả, trứng,... chế biến thành các món mềm, lỏng như cháo, súp, nước ép để con dễ ăn và tiêu hoá tốt hơn.
3. Cách điều trị ho đờm ở trẻ
Các phương pháp điều trị ho đờm tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra và tình trạng bệnh của trẻ. Đối với trường hợp trẻ bị ho nhẹ, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Nếu trẻ bị ho vừa và nặng, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thuốc long đờm, siro. Lưu ý, đối với thuốc ho, cha mẹ cần cho con sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành lệnh cấm không cho trẻ dưới 4 tuổi uống thuốc trị ho bán trên thị trường mà không có chỉ định của bác sĩ. Theo báo cáo cho thấy, không có lợi ích từ việc cho trẻ uống thuốc ho, ngược lại một vài trường hợp có hại từ một số chất có trong thuốc giảm ho.
Một số loại thuốc cấm sử dụng để điều trị ho cho trẻ như: Ephedrine, phenylephrine, pseudoephedrine và các thuốc kháng histamine như: Diphenhydramine, brompheniramine hoặc chlorpheniramine. ...
|
|
Khi dùng thuốc trị ho cho trẻ cần tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ (Ảnh: ST) |
Một số biện pháp giảm ho tại nhà
Ngoài ra, để giảm triệu chứng và giúp con thoải mái hơn, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp như:
- Uống nước ấm: Khuyến khích con bạn uống nhiều nước ấm. Các chất lỏng ấm như trà không chứa caffein, nước canh hoặc nước nóng với chanh có thể giúp làm lỏng chất nhầy và làm dịu cơn đau họng.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Không khí khô có thể khiến trẻ bị ho nặng hơn. Cha mẹ có thể sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương mát trong phòng của con bạn, gần nơi trẻ ngủ, để giúp trẻ dễ thở.
- Sử dụng mật ong: Mật ong có tác dụng kháng khuẩn, hỗ trợ điều trị ho hiệu quả nhưng chỉ nên áp dụng cho trẻ trên 1 tuổi. Cha mẹ có thể pha mật ong với nước ấm và cho con sử dụng hàng ngày.
- Khuyến khích con bạn nghỉ ngơi và ngủ nhiều để thúc đẩy quá trình chữa bệnh. Mặc dù cơn ho có vẻ trầm trọng hơn vào ban đêm, nhưng những mẹo trên có thể giúp con bạn giảm bớt cơn ho.
Nếu trẻ ho kèm theo các triệu chứng như khó thở, thở nhanh, lừ đừ, mất nước, mệt mỏi, bú kém,... cha mẹ nên đưa con tới bệnh viện để được thăm khám và có hướng điều trị phù hợp.
Vân Anh