Virus gây cúm sẽ kích hoạt phản ứng viêm và làm tổn hại động mạch, có thể làm tăng nguy cơ bị đau tim - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Không chỉ bệnh nhân tim mạch mà những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim như người hút thuốc, bị tiểu đường, nồng độ cholesterol cao hoặc huyết áp cao cũng phải chú ý vào những thời điểm sau:

1. Khi bị cúm

Cúm có thể gây ra những triệu chứng như sốt cao, đau nhức cơ thể, mệt mỏi. Một số bằng chứng khoa học cho thấy trong vòng 3 ngày sau khi bị cúm, người bệnh có nguy cơ bị đau tim cao gấp 4 lần so với khi khỏe mạnh, theo The Healthy.

Nguyên nhân là do virus gây cúm sẽ kích hoạt phản ứng viêm và làm tổn hại động mạch. Ngoài ra, tình trạng mất nước khi bị cúm cũng khiến máu đặc hơn. Sốt cao sẽ làm tăng nhịp tim, buộc tim phải hoạt động nhiều hơn.

2. Ngày đầu tuần với công việc nhiều áp lực

Trong một nghiên cứu phân tích tỷ lệ bị đau tim theo ngày, các nhà khoa học phát hiện số lượng cơn đau tim tăng đột biến vào những ngày chúng ta trở lại làm việc sau thời gian nghỉ dài.

Áp lực công việc sẽ gây căng thẳng, làm tăng huyết áp và nguy cơ hình thành cục máu đông - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Nguyên nhân giải thích hiện tượng này là do khi trở lại làm việc, áp lực công việc sẽ gây căng thẳng. Căng thẳng làm tăng nồng độ hoóc môn cortisol và adrenaline, làm tăng huyết áp và nguy cơ hình thành cục máu đông.

Cách tốt là bắt đầu ngày thứ hai đầu tuần bằng các biện pháp giúp giảm căng thẳng, chẳng hạn dành 5 đến 10 phút để tập yoga hoặc ngồi thiền vào buổi sáng. Nếu không có thời gian tập vào buổi sáng, mọi người có thể tranh thủ đi bộ thư giãn vào giờ nghỉ trưa.

3. Cái chết của người thân

Các nhà nghiên cứu đã phân tích hàng nghìn ca đau tim ở Mỹ. Kết quả cho thấy những người có người thân qua đời phải đối mặt nguy cơ cao bị đau tim trong vòng 1 tuần sau đó.

Các chuyên gia khuyến cáo để giảm cảm giác đau buồn, cô đơn và chán nản, những người có người thân vừa qua đời hãy tìm đến bác sĩ tâm lý, bạn bè hay những thành viên khác trong gia đình, theo The Healthy.

Theo thanhnien