Đặc điểm của khoai tây
Khoai tây tên khoa học Solanum tuberosum L. thuộc họ Cà Solanaceae.
Khoai tây là một cây sống lâu do củ với những chồi của thân mọc ngầm dưới đất. Thân thẳng cao 30-80cm, mang lá kép xẻ lông chim, với lá chét to nhỏ khác nhau.
Khoai tây vốn nguồn gốc những vùng núi ở Nam Mỹ, từ lâu được trồng ở Chilê và Pêru trước khi người châu Âu khám phá ra châu Mỹ. Vào cuối thế kỷ 16, khoai tây được di thực về châu Âu rồi từ đó phát triển dần đi khắp thế giới.
Trong củ khoai tây có tới 78% nước, 1% muối vô cơ, glucid (15-20%) chủ yếu gồm tinh bột kèm theo một ít đường khử, sacaroza và pectin, protid thay đổi từ 1-2% (tùy theo giống) chủ yếu gồm các albumin, pepton acid amin và nucleoprotid.
Dựa vào hiện tượng nứt khi nấu người ta phân biệt ra được khoai tây tương đối giàu protid khi nấu không bị nứt và khoai tây ít protid khi nấu bị nứt. Trong loại khoai tây giàu protid tỷ lệ hợp chất nitơ/tinh bột dưới 0,12. Loại này được dùng để chế tinh bột khoai tây. Trong khoai tây còn chứa rất nhiều men: Amylaza, sucraza, oxydaza…, vitamin B1, B2, C (100g chứa 15mg vitamin C nằm chủ yếu trong lớp vỏ).
Trong khoai tây chín và mới dỡ không có solanin. Nhưng trong củ khoai mà vỏ đã xanh (do để ngoài ánh sáng mặt trời) hay đã nẩy mầm, tỉ lệ solanin có thể tới 0,02%, do đó có thể gây ra những trường hợp ngộ độc.
Khi cắt củ khoai tây để lâu ngoài trời, vết cắt bị đen nâu lại là do các vết của hợp chất polyphenol bị men polyphenoloxydaza trong cây tác động lên.
Trong toàn cây khoai tây chứa chất "solanin", một hỗn hợp glucoalcaloid mà phần genin là chất solanidin, chất alpha solanin là thành phần chính chiếm tới 95%.
Hàm lượng solanin trong cây tươi có lá rất thấp: 0,01-0,05%, quả chưa chín chứa nhiều hơn (0,10%). Củ khoai tây chín và mới dỡ chỉ chứa rất ít solanin (chủ yếu tập trung ở vỏ và mắt củ) nhưng những củ đã mọc mầm có thể chứa tới 0,02%.
Mầm khoai tây tươi chứa 0,04 đến 0,13% solanin. Ta có thể chiết solanin từ mầm khoai tây bằng acid acetic 2%.
Công dụng và liều dùng
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, khoai tây chủ yếu được dùng làm lương thực, chế tinh bột dùng trong lương thực, công nghiệp chế cồn, hồ giấy, hồ vải, công nghiệp dược phẩm.
Khi khoai tây mọc mầm hay vỏ củ đã xanh do để ngoài ánh sáng dễ bị ngộ độc, biểu hiện: Đau bụng vùng dạ dày và ruột, nôn, đái ra máu, suy giảm hô hấp và thần kinh.
Solanin có thể dùng làm một vị thuốc giảm đau, trong những trường hợp đau bụng, đau vùng gan, đau nhức xương khớp. Dùng với liều 0,05 đến 0,20g trong một ngày dưới dạng thuốc viên, thuốc gói hay thuốc tiêm.
Theo đông y khoai tây vị ngọt, tính bình. Dùng trong, có công hiệu kiện tỳ hòa vị, ích khí điều trung, chữa các bệnh đường tiêu hóa.
Loét dạ dày, hành tá tràng: Khoai tây tươi nghiền nát, thêm nước sôi để nguội rồi vắt lấy nước. Ngày 2 lần sáng, tôi, uống mỗi lần 1 bát, liên tục trong 1 tháng. Thêm mật ong hiệu quả càng cao. Hoặc 1kg khoai tây tươi cho nước nghiền nát nhuyễn vắt lấy nước nấu đặc quánh lại thêm mật ong rồi tiếp tục nấu cho sánh để nguội cho vào lọ. Mỗi lần uống 1 thìa 30ml. Ngày 2 lần lúc đói.
Viêm dạ dày, nôn mửa, ăn không ngon miệng: Lấy 100g khoai tây, 10g gừng tươi, 1 quả quýt. Tất cả nghiền nát lấy nước, uống 1 thìa 15ml trước bữa ăn.
Táo bón mạn tính: Giã khoai tây vắt lấy nước uống trước mỗi bữa cơm. Mỗi lần 1 chén con, ngày 3 lần.
Phù thũng, tiểu ít: Khoai tây gọt sạch vỏ, giã nát 32g, rễ tranh 24g. Cho vào 400ml nước nấu còn 200ml. Uống trong ngày. Dùng vài lần.
Lưu ý khi ăn khoai tây
Mặc dù khoai tây là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ăn thông dụng, ngon miệng và bổ dưỡng trong mùa đông, nhưng do hàm lượng carbohydrat trong khoai tây khá cao nên những bệnh nhân đái tháo đường không nên ăn nhiều. Cần chú ý cách chế biến khoai tây. Khoai tây chiên, rán có chứa chất gây ung thư acrylamide nên hạn chế ăn. Chỉ nên ăn khoai tây hấp, luộc.
Theo suckhoedoisong.vn