Nếu trẻ thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, cơ thể sẽ mệt mỏi, không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, gây cản trở quá trình phát triển về thể chất. Hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, thành ruột khá mỏng, nhất là ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Điều này cũng khiến trẻ có nguy cơ bị nhiễm phải vi khuẩn có hại, xâm nhập từ đường ăn uống, hô hấp. Dưới đây là những biểu hiện bệnh lý tiêu hóa thường gặp ở trẻ em bao gồm:

Tiêu chảy

Trẻ đi ngoài ra phân lỏng như nước trên 3 lần một ngày thì được coi là tiêu chảy. Khi tiêu chảy nhiều hoặc kéo dài, trẻ dễ bị mất nước, mất chất điện giải, nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Thống kê cho thấy, mất nước là lý do khiến 71% trẻ tử vong khi mắc tiêu chảy. Các siêu vi trùng thường gây bệnh tiêu chảy là Rota virus và vi khuẩn E. Coli. Vì vậy, khi trẻ bị tiêu chảy, ngoài việc bù nước, điện giải, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng nhưng loãng, để trẻ dễ tiêu hoá, giúp cơ thể mau phục hồi.

Táo bón

Táo bón là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau và rất hay gặp ở trẻ nhỏ, vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, dễ gặp "trục trặc" khi tiếp nhận các thực phẩm khó tiêu hoá: Thức ăn cứng, chứa quá nhiều dầu mỡ, hay các loại đạm nóng khó tiêu… Thực tế cho thấy, khi bị táo bón, trẻ sẽ dễ dàng bỏ bữa, biếng ăn, lâu ngày cơ thể không hấp thụ các chất dinh dưỡng, khoáng chất cần thiết, khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương, chậm phát triển so với những trẻ cùng trang lứa.

Phòng bệnh tiêu hóa ở trẻ khi đi học - Ảnh 2.

Nôn trớ hay trào ngược dạ dày là một trong những bệnh đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ. Ảnh minh hoạ.

Nôn trớ

Nôn trớ hay trào ngược dạ dày là tình trạng thức ăn sau khi nuốt xuống dạ dày bị đẩy ngược lên trên. Có đến 2/3 trẻ nhỏ gặp phải tình trạng này trong những tháng đầu đời, do đường tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Khi cấu trúc hệ tiêu hóa của trẻ dần hoàn thiện, tình trạng này sẽ thoái lui.

Gần đây, nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ mật thiết ở những trẻ bị bệnh trào ngược dạ dày và tình trạng hen suyễn. Ngoài ra, trẻ bị bệnh trào ngược có thể bị viêm tai, viêm xoang, sụt cân, suy dinh dưỡng, chậm lớn và về lâu dài có thể đưa tới những rối loạn phát triển hành vi.

Đi ngoài phân sống

Là biểu hiện của loạn khuẩn đường ruột, do tình trạng mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn trong ruột. Đường ruột của người bình thường có một hệ vi sinh vật sống cộng sinh với 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn. Với hệ tiêu hóa khoẻ mạnh thì tỷ lệ này được duy trì, đường ruột sẽ ở trạng thái cân bằng tốt, các quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng, thải trừ chất độc hại diễn ra bình thường. Ngược lại, khi tỷ lệ trên bị phá vỡ, lượng lợi khuẩn giảm xuống, hại khuẩn có dịp sinh sôi, tạo ra tình trạng loạn khuẩn đường ruột với các triệu chứng thường gặp như: Đi ngoài phân lỏng, phân sống, đôi khi có lẫn chất nhầy, có thể kèm theo đầy bụng.

Hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh khiến trẻ dễ mắc các bệnh đường tiêu hoá, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tăng trưởng cả thể chất lẫn trí não.

Phòng bệnh tiêu hóa ở trẻ khi đi học - Ảnh 3.

Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu triệu chứng của các bệnh về đường tiêu hóa, cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám và chữa trị kịp thời. Ảnh minh hoạ.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị bệnh đường tiêu hoá?

Để bảo vệ trẻ không mắc các bệnh lý tiêu hóa do nhiễm virus, vi trùng, ký sinh trùng, phụ huynh cần lưu ý những vấn đề sau:

Khi trẻ có biểu hiện chán ăn, đi ngoài phân sống, phân sệt, phụ huynh hãy theo dõi. Nếu thấy trẻ bị đau bụng, tiêu chảy, nôn ói nhiều, kèm theo sốt... thì cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

Ngoài ra, gia đình có thể chủ động phòng các bệnh tiêu hóa cho trẻ bằng cách:

- Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm đường phố.

- Ăn chín, uống sạch; cha mẹ cần gửi con đến cơ sở trông trẻ, trường lớp có uy tín, đảm bảo an toàn và sạch sẽ.

- Với các bếp ăn phục vụ bán trú, trường mầm non: 

  • Cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, nhất là dụng cụ chế biến và chứa đựng thức ăn; 
  • Nhân viên cần rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến; 
  • Nguyên liệu tươi sống, gia vị còn hạn sử dụng và có nguồn gốc rõ ràng; 
  • Lau chùi, sàn nhà mỗi ngày sạch sẽ.

Ngoài ra, cha mẹ cần tẩy giun cho trẻ 6 tháng một lần. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu triệu chứng của các bệnh đường tiêu hóa, cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám và chữa trị kịp thời.

Theo suckhoedoisong.vn