Ở bệnh nhân tiểu đường khi có vấn đề về mắt thì việc điều trị khó khăn tốn kém và để lại không ít di chứng về sau.

Dưới đây là những bệnh lý về mắt mà người bị tiểu đường dễ mắc phải

1. Bệnh glôcôm (cườm nước, thiên đầu thống)

‎Bệnh glôcôm hay còn gọi là bệnh cườm nước, thiên đầu thống, được đặc trưng bởi tình trạng thủy dịch trong mắt dẫn lưu kém, làm tăng áp lực lên mắt.

Người bị đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn người bình thường khoảng 40%. Người bệnh càng lâu năm thì khả năng biến chứng xảy ra càng cao. Khi áp lực đủ lớn, nó sẽ làm tổn thương các tế bào võng mạc và thần kinh thị giác, khiến tầm nhìn của người bệnh đái tháo đường giảm dần.

Các triệu chứng dễ nhận thấy của glôcôm bao gồm: Đau mắt, nhức đầu, chảy nước mắt, mờ mắt, buồn nôn, nhìn thấy quầng sáng trước mắt… Đáng lưu ý hơn là một số trường hợp nhãn áp tăng chậm, người bệnh "thích nghi tốt" với nhãn áp nên không xuất hiện các triệu chứng trên, nhưng đến giai đoạn muộn khi tế bào võng mạc và thần kinh thị giác tổn thương nhiều thì thị lực sẽ bị mất hoàn toàn.

‎Việc điều trị hạ nhãn áp trong glôcôm có nhiều cách, chủ yếu nhất là các dòng thuốc nhỏ mắt hạ nhãn áp. Khi dùng thuốc không thể đạt được hiệu quả mong muốn thì người ta sẽ dùng đến laser hoặc phẫu thuật để tạo một đường rò trên mắt, giúp thủy dịch lưu thông được dễ dàng hơn.

Bệnh nhân tiểu đường thường gặp phải những bệnh về mắt nào? - Ảnh 2.
Người bệnh tiểu đường dễ mắc đục thủy tinh thể.

2. Đục thủy tinh thể

‎Ở người tiểu đường do khi đường huyết tăng cao, một phần glucose chuyển thành đường sorbitol, loại đường này tích tụ ở mắt khiến protein bị lắng cặn ở phần trung tâm thủy tinh thể (đục nhân) khiến người bệnh có cảm giác như có là sương mờ trước mặt và thị lực giảm nhanh chóng.

‎Đục thủy tinh thể (hay còn gọi là cườm khô), là một bệnh mắt thường gặp nhất ở người tiểu đường. Thủy tinh thể là một thấu kính tự nhiên của cơ thể, luôn trong suốt và góp phần tạo nên môi trường quang học cho mắt.

‎Với bệnh nhân tiểu đường khi mắc bệnh này, việc phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn hàng đầu và gần như là duy nhất. Ca mổ thủy tinh thể được diễn ra nhanh chóng, chỉ có một số ít biến chứng, tuy nhiên có khoảng 20 - 40% bệnh nhân mờ mắt tái phát, ngoài ra đối với bệnh nhân đến muộn thì việc phẫu thuật sẽ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn.

‎3. Phù hoàng điểm và bệnh võng mạc không tăng sinh

‎Ở người tiểu đường các mao mạch ở đáy mắt bị giãn, tạo thành những túi nhỏ gây tắc mạch và làm tổn thương chức năng của từng vùng mà mạch máu đó chi phối. Bệnh võng mạc không tăng sinh có thể trải qua 3 giai đoạn (nhẹ, trung bình và nặng) trong đó càng ngày càng có nhiều mạch máu mới bị tắc nghẽn.

‎Mặc dù bệnh võng mạc không tăng sinh thường không gây mất thị lực ở giai đoạn này, nhưng việc mạch máu bị giãn sẽ dẫn đến tuần hoàn tại mắt bị rối loạn. Thành mạch máu có thể bị mất khả năng chống rò rỉ và dịch sẽ đi từ mạch máu vào võng mạc.

Võng mạc là một lớp màng mỏng nằm sâu ở đáy của nhãn cầu, nó chứa rất nhiều mạch máu nhỏ (vi mạch), dây thần kinh, có chức năng thu nhận và dẫn truyền tín hiệu ánh sáng. Trung tâm của võng mạc là "hoàng điểm", thông tin sau khi được hoàng điểm thu nhận sẽ được gửi đến dây thần kinh thị giác, rồi dẫn truyền lên não bộ giúp bạn có thể nhìn thấy mọi vật.

Vì vậy, nếu không may chất rò rỉ đi vào vùng hoàng điểm thì sẽ gây ra tình trạng "Phù hoàng điểm", triệu chứng của bệnh này là nhìn hình méo mó, thị lực giảm rất nhanh hoặc có thể mất hoàn toàn.

Bệnh nhân tiểu đường thường gặp phải những bệnh về mắt nào? - Ảnh 3.

Bệnh võng mạc tăng sinh là một trong những biến chứng về mắt ở bệnh nhân tiểu đường.

4. Bệnh võng mạc tăng sinh

Ở giai đoạn này, đặc trưng bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh sẽ xuất hiện các tân mạch ở võng mạc, đĩa thị, xơ mạch võng mạc - dịch kính, có thể có tân mạch mống mắt.

Ở một số người, bệnh võng mạc do đái tháo đường sẽ tiến triển sang giai đoạn tăng sinh.

Trong hình thái này, các mạch máu bị tắc nghẽn rất nhiều, để bù trừ cơ thể sẽ tạo ra những mạch máu mới (tân mạch) trên võng mạc, các tân mạch này thường không có chức năng và khá mỏng manh. Khi mạch máu mới vỡ, máu sẽ tràn ra che lấp đường nhìn và dẫn đến giảm thị lực. Các tân mạch cũng có thể tạo thành xơ sẹo ở võng mạc. Sự co kéo của mô sẹo có thể làm biến dạng võng mạc hoặc gây ra bong võng mạc.

‎Võng mạc có thể bị tổn hại nặng trước khi người bệnh cảm thấy thay đổi thị lực. Hầu hết những người bị bệnh võng mạc không tăng sinh thường không có nhiều triệu chứng. Ngay cả với bệnh võng mạc tăng sinh, đôi khi người bệnh cũng chỉ có triệu chứng ở giai đoạn muộn.

Các triệu chứng có thể xảy ra do xuất huyết hoặc bong võng mạc, bao gồm: Xuất hiện đột ngột những hình nổi (dạng chấm, dạng vết hay dạng dải) trong tầm nhìn; Nhìn hình bị méo; Mất thị lực…

Tóm lại: Tất cả biến chứng về mắt do đái tháo đường nếu phát hiện và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ mất thị lực đến 95%. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần chủ động kiểm soát glucose huyết ở mức an toàn, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Thường xuyên tập thể dục thể thao, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh (ít ngọt, nhiều rau) cũng giúp ngăn ngừa tình trạng giảm thị lực đối với các bệnh mắt do đái tháo đường.

Lúc đầu, những bệnh về mắt thường không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ có vấn đề tầm nhìn nhẹ. Nếu người bệnh chủ quan không đi khám và điều trị sớm, những tổn thương của bệnh đáy mắt sẽ nặng như: phù hoàng điểm, xuất huyết võng mạc, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc… có thể dẫn đến mù lòa. Do vậy, việc kiểm tra mắt thường xuyên (khoảng 6 - 12 tháng một lần) ở bệnh nhân tiểu đường là cần thiết. Đặc biệt, phụ nữ bị đái tháo đường khi mang thai nên khám mắt sớm và kiểm tra mắt trong suốt thai kỳ. Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu tầm nhìn của thai phụ xuất hiện các đốm đen, lóa sáng hoặc bị mờ.

Theo suckhoeodisong.vn