leftcenterrightdel
 Tiếp xúc với thiết bị điện tử quá nhiều là nguyên nhân phổ biến dẫn tới các vấn đề về mắt (Ảnh minh họa)

Trong cuộc sống hiện đại, đôi mắt của chúng ta phải làm việc nhiều hơn và chịu nhiều áp lực hơn. Từ sử dụng máy tính, điện thoại di động, máy chơi game, xem vô tuyến… cuộc sống của con người gần như không thể tách rời khỏi các thiết bị điện tử, dễ dẫn đến việc mắt phải hoạt động quá mức. Chưa kể, các thói quen dùng mắt sai cách, không chú trọng chăm sóc mắt khiến bệnh tật ùn ùn kéo đến.

Muốn phòng tránh điều này, điều quan trọng nhất là bảo vệ mắt sớm bằng những thói quen tốt, hạn chế tiếp xúc và tiếp xúc đúng cách với các thiết bị điện tử. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan (Trung Quốc) đã đưa ra 4 dấu hiệu phổ biến cho thấy đôi mắt đã “kiệt sức”, khó chống lại bệnh tật và cách để khắc phục bao gồm:

1. Chảy nước mắt không chủ ý

Chảy nước mắt khi khóc là chuyện đương nhiên, nhưng nếu bạn thường xuyên bị chảy nước mắt dù không chủ ý thì đó là lời “cầu cứu” của mắt. Tình trạng này thường là do khô mắt hoặc rối loạn màng phim nước mắt.

Khi mắt mỏi mệt, làm việc quá tải với các thiết bị điện tử hoặc thường xuyên ở trong môi thiếu ẩm khiến quá trình sản xuất nước mắt bị gián đoạn, hoạt động kém hiệu quả hoặc nước mắt bốc hơi quá nhanh. Khi đó, mắt phản ứng bằng cách tiết nhiều nước mắt để bù đắp độ ẩm cần thiết. Khi gặp triệu chứng này, ngoài điều chỉnh lối sống thì nên dùng nước mắt nhân tạo chứa các chất làm đặc và giữ ẩm như carboxymethylcellulose (CMC) và chondroitin sulfate natri.

2. Đau nhức và mỏi mắt

Đây là hiện tượng phổ biến của chứng rối loạn điều tiết, thường xảy ra khi dùng mắt quá mức hoặc nhìn quá gần trong thời gian dài.

Thông thường, mắt được thư giãn nhất khi nhìn xa vô cực; khoảng cách nhìn càng rút ngắn, mắt càng phải điều tiết để nắm bắt hình ảnh được rõ nét. Rối loạn điều tiết xảy ra khi mắt phải nhìn gần liên tục như làm việc máy tính nhiều giờ liền không nghỉ hoặc thiếu ngủ trầm trọng.

leftcenterrightdel
Ngủ sớm và ngủ đủ giấc là một yếu tố quan trọng để mắt được nghỉ ngơi, giảm nguy cơ bệnh tật (Ảnh minh họa) 

Ngoài điều chỉnh cự ly, thời gian nhìn và giấc ngủ thì chuyên gia nhãn khoa khuyên bổ sung thêm vitamin A, phức hợp vitamin B và taurine. Chọn sản phẩm chăm sóc mắt có neostigmine methylsulfate có thể cải thiện sức mạnh của cơ nhãn cầu. Nếu hiện tượng nhức mắt vẫn xảy ra ngay cả khi chế độ sinh hoạt đã được điều chỉnh và mắt đã có thời gian nghỉ ngơi thì cần kiểm tra nhãn áp và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa.

3. Ngứa và nhạy cảm với ánh sáng

Ngứa mắt, có thể đi kèm đỏ mắt nhẹ cũng là những dấu hiệu cho thấy mắt bị sử dụng quá mức, đang ngày càng yếu đi. Ngứa mắt thường xảy ra ở những người bị khô mắt do mắt phải tiếp xúc với ánh sáng xanh quá nhiều, rối loạn điều tiết mắt. Ngứa mắt cũng có thể do viêm nhiễm liên quan tới mắt.

Nếu tình trạng ngứa mắt gây khó chịu, các chuyên gia khuyên bạn nên tới bệnh viện thăm khám hoặc bổ sung thuốc nhỏ mắt có các thành phần kháng histamine như Chlorpheniramine và Diphenhydramine để cải thiện.

Bên cạnh đó, trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng, nhất là ánh sáng mặt trời cũng là một dấu hiệu mắt đang “kiệt sức”, tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử. Một số trường hợp là do mất cân bằng dinh dưỡng. Lúc này ngoài điều chỉnh lối sống, hãy bổ sung vitamin A, vitamin E, cố gắng ra ngoài nhiều hơn. Nó cũng có thể do mụn rộp, nhiễm trùng, bệnh đục thủy tinh thể nên nếu kéo dài hãy đến bệnh viện khám.

4. Các rối loạn về thị lực

Đương nhiên, các rối loạn về thị lực cũng là hậu quả khó tránh khỏi nếu chúng ta sử dụng mắt quá sức hay sai cách. Khi đôi mắt bị “kiệt sức”, nó sẽ bị suy giảm thị lực, ngoài nhìn mờ đi còn có thể nhìn đôi, gặp hiện tượng “ruồi bay”, thấy vệt sáng bất thường trong một vài thời điểm.

Theo các chuyên gia, nếu sử dụng mắt liên tục với cường độ cao, nhất là với các thiết bị điện tử mắt có thể giảm thị lực tạm thời. Tuy nhiên, sau khi nghỉ ngơi hoặc bổ sung nước mắt nhân tạo, nó có thể nhanh chóng trở lại bình thường. Nhưng nếu sau khi nghỉ ngơi, thậm chí thay đổi thói quen sinh hoạt mà vẫn bị nhìn mờ thì đó có thể là biểu hiện của nhiều loại bệnh ở mắt như tật khúc xạ (cận thị, loạn thị, viễn thị), rối loạn điều tiết, đục thủy tinh thể, viêm nhiễm…

leftcenterrightdel
Ăn các thực phẩm giàu vitamin A, lutein giúp cải thiện thị lực ở mức độ nhất định và phòng bệnh về mắt (Ảnh minh họa) 

Còn nếu thị lực đột ngột giảm mạnh hoặc đi kèm việc nhìn thấy tia chớp lóe sáng, bạn cần đến cơ sở chuyên khoa thăm khám càng sớm càng tốt vì có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng về võng mạc.

Nhìn chung, mắt rất quan trọng nhưng cũng mỏng manh, dễ tổn thương. Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, tốt nhất hãy tìm đến chuyên gia, tránh tự xử lý vì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, khó vãn hồi. Trong cuộc sống hàng ngày, ngoài bổ sung chất tốt cho mắt, dùng mắt điều độ, nghỉ ngơi khoa học, vận động thường xuyên… thì cũng nên thăm khám nhãn khoa định kỳ.

Ngọc Ái/Nguồn: Cool Health, Family Doctor