Các nghiên cứu cho thấy cả người mắc tiểu đường loại 1 và loại 2 đều trải qua tình trạng hạ đường huyết vào buổi tối, nhất là lúc trước khi ngủ. Có nhiều nguyên nhân gây hạ đường huyết. Nếu không phát hiện sớm và khắc phục có thể gây nhiều tác động bất lợi với sức khỏe, theo trang thông tin sức khỏe Everyday Health (Mỹ).

4 điều cần làm để tránh hạ đường huyết xuống mức nguy hiểm vào buổi tối - Ảnh 1.

Hạ đường huyết sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, đổ mồ hôi và tim đập nhanh

SHUTTERSTOCK

Nếu hạ đường huyết mức độ nghiêm trọng sẽ gây co giật, thậm chí tử vong. Tin tốt là một số cách có thể giúp ngăn ngừa tình trạng hạ đường huyết vào buổi tối.

Không bao giờ bỏ bữa tối

Để giữ đường huyết ổn định, các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân cần tuân theo thói quen ăn uống, sinh hoạt nghiêm ngặt. Trong đó, họ phải ăn đầy đủ vào bữa tối.

Bỏ bữa ăn tối hoặc chỉ ăn nhẹ là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây hạ đường huyết vào ban đêm, khiến nồng độ đường glucose trong máu hạ xuống dưới mức khỏe mạnh. Cách tốt là người bị tiểu đường cần ăn một bữa tối lành mạnh và cân bằng.

Tránh tập nặng sát giờ đi ngủ

Nhiều người đi làm không có thời gian để tập thể dục vào buổi sáng hoặc chiều. Do đó, họ cố gắng tập vào buổi tối sau giờ làm việc. Với bệnh nhân tiểu đường, tập luyện vào giờ này không có gì phải quá lo lắng.

Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo là cần tránh tập quá sức, đặc biệt là sát giờ đi ngủ. Điều này sẽ khiến vào lúc đi ngủ, đường huyết có thể bị hạ xuống rất thấp. Cách tốt là nên tập trước giờ ngủ ít nhất 2 tiếng.

Kiểm tra đường huyết trước khi ngủ

Kiểm tra đường huyết thường xuyên đóng vai trò quan trọng giúp ổn định đường huyết và kiểm soát bệnh. Nếu đường huyết hạ quá thấp hoặc quá cao một cách thường xuyên vào thời điểm này thì người bệnh cần thảo luận với bác sĩ để có phương pháp điều chỉnh thích hợp.

Nhận biết sớm dấu hiệu hạ đường huyết

Cuối cùng, người bị tiểu đường cần biết những triệu chứng thường gặp của hạ đường huyết. Chẳng hạn, hạ đường huyết sẽ gây run, đổ mồ hôi, lú lẫn và nhức đầu.

Nếu đang ngủ, các triệu chứng này sẽ khiến người bệnh giật mình. Tuy nhiên, cũng có những người gặp tình trạng gọi là hạ đường huyết không nhận thức, tức hạ đường huyết nhưng người bệnh sẽ không có biểu hiện gì và chỉ có thể phát hiện qua kiểm tra đường huyết, theo Everyday Health.

Theo Thanh niên