Nghiên cứu cho thấy rằng, có tới 70% trẻ em phát triển bình thường nhưng thường xuyên có các hành động khó hiểu như rung chân, cắn móng tay, xoắn tóc, ngửi mọc thứ… Tuy nhiên, những hành động này đều có mục đích, thậm chí còn là biểu hiện của trí thông minh, dưới đây là 4 hành vi phổ biến nhất.
1. Mút đồ vật
Hành động mút đồ vật như mút ngón tay hoặc mút đồ chơi cho thấy não bộ của trẻ đang phát triển tốt. Hành động này thường xuất hiện trong giai đoạn sơ sinh và trẻ nhỏ, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới:
- Khám phá: Trẻ em thường sử dụng miệng để khám phá thế giới xung quanh và tìm hiểu về đồ vật. Mút đồ vật có thể là một cách trẻ khám phá chất liệu, hình dạng.
- Tự an ủi: Hành động mút đồ vật cũng có thể là một hình thức tự an ủi của trẻ. Miệng có nhiều dây thần kinh nhạy cảm, việc mút đồ vật có thể giúp trẻ cảm thấy thoải mái và giảm căng thẳng.
- Sự phát triển tự nhiên: Mút đồ vật cũng có thể liên quan đến sự phát triển tự nhiên của trẻ, bao gồm khả năng tập trung và phản xạ tự nhiên.
2. Lắc lư và xoay tròn
Hành động trẻ thích lắc lư và xoay tròn có nhiều ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào ngữ cảnh và mục đích của hành động đó.
- Tự an ủi và giảm căng thẳng
Hành động này tạo ra một cảm giác an toàn và ổn định, giúp trẻ giảm căng thẳng và lo lắng.
- Tạo ra kích thích giác quan: Đung đưa và quay tròn có thể kích thích các giác quan của trẻ. Trẻ có thể tận hưởng cảm giác chuyển động và cảm giác thích thú trong quá trình này.
- Khám phá và tìm hiểu: Hành động này cũng có thể là một cách để trẻ khám phá và tìm hiểu về cơ thể, không gian xung quanh.
- Giải trí: Hành động đung đưa và quay tròn có thể mang lại niềm vui cho trẻ. Hành động này có thể là một phần của trò chơi, hoạt động nhóm hoặc các hoạt động giải trí khác.
3. Ngửi mọi thứ
Mùi hương là trung tâm cảm xúc, trí nhớ và khoái cảm của não bộ. Trẻ em thường ngửi những thứ gợi lên cảm giác thoải mái, thân thuộc. Những mùi nhẹ nhàng này có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn, yên tâm hơn hoặc thư giãn để dễ ngủ.
Dưới đây là một số lý do mà trẻ em thích ngửi mọi thứ:
- Khám phá thế giới: Trẻ em sử dụng giác quan mùi hương để khám phá và tìm hiểu về môi trường xung quanh. Chúng muốn biết mùi của các đồ vật, thực phẩm và các mùi hương khác để hiểu rõ thế giới xung quanh.
- Kích thích giác quan: Mùi hương có thể kích thích và tạo ra trạng thái phấn khích cho trẻ. Một mùi hương mới lạ hoặc dễ chịu có thể mang lại niềm vui cho chúng.
- Liên kết với ký ức và cảm xúc: Mùi hương có khả năng kích thích ký ức và gợi lên cảm xúc. Có những mùi hương có thể gắn liền với những kỷ niệm và trạng thái cảm xúc dễ chịu. Trẻ em có thể tìm kiếm những mùi hương này để tạo ra cảm giác an ủi và niềm vui.
- Tò mò: Ngửi mọi thứ cung cấp cho trẻ một trải nghiệm thú vị và hứng thú. Trẻ muốn khám phá mùi hương mới, tìm hiểu về sự khác biệt và cảm nhận sự đa dạng của thế giới mùi hương.
4. Bồn chồn
Chạm, sờ, bóp, chọc, xoắn tóc và tất cả các hình thức bồn chồn tương tự khác tạo ra cảm giác khiến trẻ thèm được chạm vào và thường là nhu cầu của trẻ đối với một loại chuyển động nhỏ rất cụ thể.
Theo nghiên cứu, cơ thể giải phóng chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác dễ chịu oxytocin để đáp ứng với các chuyển động tìm kiếm xúc giác của ngón tay và bàn tay, chẳng hạn như chạm liên tục vào đồ vật mềm hoặc vuốt tóc, xoắn tóc.
Ngoài tác dụng xoa dịu, những hành động này cũng có thể giúp trẻ tập trung. Michael J. Kofler - phó giáo sư tại Đại học Bang Florida ở Tallahassee, Florida, Mỹ cho biết: "Trẻ em sử dụng những chuyển động nhỏ để kích thích não bộ của chúng. Đối với một số trẻ em, đặc biệt là những trẻ mắc chứng ADHD, việc chúng có những hành động giống như bồn chồn giúp não bộ hoạt động tích cực và tăng cường trí nhớ".
Ở mỗi đứa trẻ sẽ có những hành động kỳ quặc khác nhau, cha mẹ đừng vội la mắng nếu thấy con mình nghịch ngợm như vậy. Nếu hiểu chính xác về những hành động của trẻ, cha mẹ sẽ không vô tình cản trở con mình cải thiện IQ.
Phan Hằng