Caffeine có khả năng kích thích dạ dày và làm cản trở sự hấp thụ thuốc trong máu. Hệ quả là dẫn đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn như bồn chồn, nhức đầu, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
|
|
Thuốc kháng sinh không nên uống chung với cà phê vì có thể gây bồn chồn và mất ngủ |
Nhiều nghiên cứu cho thấy caffeine trong cà phê có thể ảnh hưởng đến quá trình phân giải, hấp thụ, chuyển hóa và bài tiết thuốc. Do đó, uống cà phê chung với một số loại thuốc có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
Những loại thuốc cần tránh uống chung với cà phê gồm :
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh là loại thuốc giúp giúp điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh và cà phê đều gây kích thích hệ thần kinh trung ương, nên khi uống chung sẽ khiến các kích thích mạnh hơn, gây bồn chồn và mất ngủ.
Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị dị ứng, chẳng hạn như fexofenadine, cũng không nên uống chung với cà phê vì cũng có thể tạo kích thích quá mức lên hệ thần kinh và gây cảm giác bồn chồn.
Thuốc tuyến giáp
Với những người bị suy giáp thì tuyến giáp sẽ không tiết đủ hoóc môn tuyến giáp. Thiếu hoóc môn tuyến giáp khiến cơ thể xuất hiện các biểu hiện như tăng cân, da khô, đau khớp, rụng tóc nghiêm trọng, thậm chí là kinh nguyệt không đều ở phụ nữ.
Những người bị suy giáp sẽ cần dùng thuốc để cân bằng loại hoóc môn tuyến giáp. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy cà phê lại làm giảm đến 50% hiệu quả của thuốc điều trị bệnh này.
Thuốc trị hen suyễn
Thuốc trị hen suyễn sẽ giúp người bệnh dễ thở hơn bằng cách làm giãn các cơ phổi và khí quản. Caffeine trong cà phê không chỉ làm giảm hiệu quả của thuốc mà còn gây ra các tác dụng phụ như đau đầu, bồn chồn, đau dạ dày và cáu kỉnh, đặc biệt là ở trẻ em.
Thuốc trị Alzheimer
Alzheimer là bệnh thoái hóa thần kinh dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến người trên 65 tuổi.
Các loại thuốc điều trị như donepezil, rivastigmine và galantamine bị ảnh hưởng rất nhiều nếu dùng chung với caffeine. Thuốc hoạt động bằng cách duy trì chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine trong não. Tuy nhiên, caffeine lại làm suy yếu tác dụng này của các loại thuốc vừa nêu, theo Healthline.
Theo Thanh niên