Đi bộ là một trong những bài tập cardio toàn thân tốt nhất cho sức khỏe. Ngoài tăng cường cơ bắp, đi bộ còn giúp đốt nhiều calo hơn, giảm cân và kiểm soát cân nặng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

leftcenterrightdel
 Đi bộ đúng cách có thể giúp cải thiện sức khỏe khớp gối

Dù mang lại nhiều lợi ích nhưng đi bộ sai tư thế hoặc tạo nhiều áp lực lên đầu gối có thể gây đau, viêm và cứng khớp. Về lâu dài, tình trạng này có thể gây bệnh viêm khớp.

Để khớp gối không bị tổn thương và tận dụng tối đa lợi ích của đi bộ, mọi người cần áp dụng những điều sau:

Luôn khởi động

Trước khi bắt đầu đi bộ, người tập cần thực hiện đầy đủ các động tác khởi động. Đó có thể là xoay các khớp xương trên cơ thể, giãn cơ và bắt đầu đi bộ với tốc độ chậm.

Những người có khớp gối bị cứng hoặc đau thì cần phải bắt đầu với tốc độ chậm. Cách này sẽ giúp dịch khớp tiết ra và bôi trơn khớp trước khi buổi tập thực sự bắt đầu. Nếu có thể, người tập được khuyến khích chườm nóng khớp trước khi tập và ngâm mình trong bồn nước khi buổi tập kết thúc.

Đi bộ thường xuyên hơn trong ngày

Nếu bạn bị đau cứng khớp vào buổi sáng thì trong ngày hãy thường xuyên đứng dậy và di chuyển. Trung bình cứ 30 phút thì hãy đi bộ với tốc độ chậm trong 1 đến 2 phút. Với những ngày khớp không bị đau nhức thì hãy tranh thủ đi bộ với cự ly xa hơn. Cách này sẽ giúp tăng cường sức bền và duy trì thói quen tập luyện.

Đi trên bề mặt mềm

Nếu khớp gối bị đau thì cần hạn chế đi bộ trên những bề mặt cứng như bê tông hay đường nhựa. Vì bề mặt cứng có thể tạo áp lực lớn hơn cho khớp gối. Thay vào đó, người tập hãy chọn đi trên những bề mặt mềm hơn, chẳng hạn như mặt cỏ, đường đất, đường mòn hay trên máy chạy bộ.

Chọn giày thoải mái

Một cách quan trọng giúp giảm áp lực lên đầu gối khi đi bộ là chọn đúng loại giày. Giày đi bộ cần có đế phẳng, linh hoạt, nâng đỡ tốt, phần nửa trước của giày có thể uốn cong tốt. Đệm giày tốt cũng có thể giúp giảm sốc cho đầu gối, theo Healthline.

Theo Thanh niên