Đặc trưng của bệnh hen phế quản là các cơn khó thở kịch phát thì thở ra, liên quan nhiều đến yếu tố cơ địa của người bệnh.

Bệnh hen phế quản thường xảy ra cơn bùng phát sau khi người bệnh tiếp xúc với các chất gây dị ứng, sau nhiễm virus đường hô hấp, thời tiết lạnh, stress, gắng sức, hoặc do dùng một số thuốc... 

Hen phế quản gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia tăng gánh nặng cho nền kinh tế - xã hội.

Theo Y học cổ truyền, hen phế quản thuộc phạm vi các chứng háo, chứng suyễn, chứng háo suyễn hoặc khái suyễn, tùy theo triệu chứng nổi trội mà người bệnh biểu hiện.

Háo là thở có tiếng đờm kéo khò khè trong cổ. Suyễn là thở không có tiếng, thở gấp khó khăn. Khái là có tiếng ho mà không có đờm.

4 thể hen phế quản và pháp điều trị - Ảnh 1.

Đường thở ở bệnh nhân hen phế quản và ở người bình thường.

1. Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh hen phế quản

Nguyên nhân gây hen phế quản có thể do ngoại tà xâm nhập (phong hàn, phong nhiệt) hoặc đàm trọc nội thịnh, hoặc do chức năng các tạng Phế, Thận, Tỳ hư suy gây ra.

 Phế chủ hô hấp, quản lý việc hít vào thanh khí, thải ra trọc khí. Do cảm nhiễm phong hàn hoặc phong nhiệt, phế khí mất khả năng tuyên thông, thăng giáng thất thường làm phế khí thượng nghịch gây khó thở.

Tỳ chủ vận hóa thủy thấp, nếu tỳ hư, thủy thấp đình ngưng lại sinh đàm, đàm ứ trở tại phế, làm mất chức năng tuyên phát và túc giáng của phế khí nên gây háo suyễn.

Thận chủ nạp khí, bệnh lâu ngày gây tổn thương chức năng tạng thận làm thận không nạp được khí, phế khí nghịch lên mà sinh chứng háo suyễn.

4 thể hen phế quản và pháp điều trị - Ảnh 2.

Vị thuốc ma hoàng trong các bài thuốc điều trị hen phế quản.

2. Các thể lâm sàng và điều trị

2.1. Thể hen hàn

Đối với thể hen hàn, người bệnh thường có triệu chứng khó thở thì thở ra, tức ngực, có thể nghe thấy tiếng thở rít, ho và khạc đờm trắng, loãng. Người có cảm giác lạnh, đau đầu, không ra mồ hôi, miệng không khát, mạch huyền tế.

Pháp điều trị thể bệnh này là ôn phế tán hàn, trừ đàm định suyễn.

Bài thuốc có thể sử dụng là 'Tiểu thanh long thang gia giảm': Ma hoàng 8g, quế chi 8g, bán hạ chế 8g, cam thảo 6g, can khương 4g, tế tân 4g, ngũ vị tử 6g, hạnh nhân 12g. Sắc uống.

Ngày uống 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

Nếu người bệnh ho nhiều có thể gia tử uyển, khoản đông hoa, bạch tiền bì và giảm quế chi.

Hoặc dùng bài 'Tô tử giáng khí thang gia giảm': Tô tử 12g, nhục quế 6g, đương quy 10g, bán hạ chế 8g, hậu phác 8g, tiền hồ 10g, cam thảo 4g, đại táo 4 quả. Sắc uống.

Ngày uống 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

4 thể hen phế quản và pháp điều trị - Ảnh 3.

Đảng sâm cùng các vị thuốc khác chữa hen phế quản.

2.2. Thể hen nhiệt

Trong thể hen nhiệt, người bệnh có cơn khó thở thì thở ra; ho, khạc đờm vàng, dính, đặc; miệng khát, thích uống nước mát, tức ngực, phiền táo, ra mồ hôi. Người sốt, mặt đỏ; chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch hoạt sác.

Phương pháp điều trị là thanh nhiệt, tuyên phế, hóa đàm, định suyễn.

Có thể dùng bài 'Ma hạnh thạch cam thang gia giảm': Ma hoàng 8g, hạnh nhân 12g, cam thảo 6g, thạch cao 16g, bán hạ chế 8g, hoàng cầm 12g, tang bạch bì 16g. Sắc uống.

Ngày uống 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

Nếu người bệnh có triệu chứng cơn khó thở thì thở ra kèm ho nhiều đờm, đờm dính khó khạc hoặc nghe thấy tiếng đờm lọc xọc trong họng; ngực đầy tức, nôn mửa, ăn kém, miệng nhạt; rêu lưỡi trắng nhờn, mạch hoạt, được xếp vào thể bệnh phù hợp là phế đàm.

Pháp điều trị là trừ đàm, giáng khí, bình suyễn.

Bài thuốc thường được sử dụng là 'Tam ảo thang': Ma hoàng 8g, hạnh nhân 12g, cam thảo 6g) kết hợp Nhị trần thang (trần bì 8g, phục linh 16g, bán hạ chế 12g, cam thảo 6g) và Tam tử thang (tô tử 10g, bạch giới tử 12g, lai phục tử 12g) gia thương truật 16g, hậu phác 12g. Sắc uống.

Ngày uống 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

4 thể hen phế quản và pháp điều trị - Ảnh 4.

Sa sâm phối hợp với các vị thuốc trị hen phế quản.

2.3. Thể phế hư

Đối với thể phế hư, người bệnh có triệu chứng khó thở, tiếng nói, tiếng ho nhỏ; khi thay đổi thời tiết dễ tái phát cơn hen.

- Nếu thiên về phế khí hư, người bệnh sắc mặt trắng, tự hãn, sợ gió, hay chảy nước mũi; rêu lưỡi trắng mỏng, mạch nhu hoãn, vô lực; dùng bài 'Sinh mạch tán': Đảng sâm 16g, mạch môn 12g, ngũ vị tử 6g. Sắc uống.

Ngày uống 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

- Nếu thiên về phế âm hư, người bệnh ho khan, ít hoặc không có đờm, miệng họng khô; chất lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác; dùng bài 'Sa sâm mạch đông thang': Sa sâm 12g, mạch môn 16g, ngọc trúc 12g, tang diệp 12g, thiên hoa phấn 12g, sinh biển đậu 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.

Ngày uống 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

Trên lâm sàng tùy theo triệu chứng của người bệnh mà gia giảm cho phù hợp.

2.4. Thể thận hư

Đối với thể thận hư, tùy theo triệu chứng của người bệnh thiên về thận âm hư hay thận dương hư mà có pháp điều trị và bài thuốc phù hợp.

Người bệnh thuộc thể thận dương hư, pháp điều trị là ôn thận nạp khí, sử dụng bài 'Bát vị quế phụ'. Người bệnh thiên về thận âm hư sử dụng bài 'Mạch vị địa hoàng hoàn'.

- Đối với người bệnh thể tỳ khí hư với triệu chứng ho đờm nhiều, sắc mặt vàng, mệt mỏi, vô lực; ăn kém, đầy chướng bụng, đại tiện lỏng nát; chất lưỡi nhạt, rêu trắng nhớt, mạch hoãn tế vô lực:

Pháp điều trị là kiện tỳ ích khí và sử dụng bài 'Lục quân tử thang': Đảng sâm 16g, cam thảo 6g, bạch truật 12g, trần bì 8g, phục linh 12g, bán hạ chế 8g). Sắc uống.

Ngày uống 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

- Nếu phế khí, tỳ khí lưỡng hư sử dụng bài 'Bổ trung ích khí thang để bổ ích phế tỳ': Đảng sâm 12g, hoàng kỳ 20g, đương quy 10g, bạch truật 12g, thăng ma 6g, sài hồ 6g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Sắc uống.

Ngày uống 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

Trên lâm sàng, hen phế quản được chia thành thực chứng và hư chứng, tương ứng các đợt hen phế quản cấp tính và giai đoạn ngoài đợt cấp. Vì vậy khi điều trị cần phân biệt rõ hoãn cấp để chọn phương pháp cho phù hợp.

Nếu người bệnh có đợt cấp với mức độ khó thở từ trung bình trở lên, cần dùng các biện pháp kết hợp Y học hiện đại để cắt cơn hen phế quản. Ngoài đợt cấp cần chữa vào gốc bệnh (phế, thận, tỳ) để nâng cao chính khí, phòng tránh tái phát.

Đồng thời, người bệnh có thể kết hợp tập dưỡng sinh, khí công, yoga... để tăng dung tích sống, giảm thể tích khí cặn và tăng hiệu quả trao đổi khí, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Theo suckhoedoisong.vn