Đau thần kinh tọa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bệnh nhân cũng như giới hạn khả năng di chuyển, vận động.

Đau thần kinh tọa dễ nhầm với đau lưng thông thường

Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất và rộng nhất trong cơ thể con người. Dây thần kinh hông đi từ lưng dưới qua hông, mông và xuống mỗi chân. Cụ thể, nó chạy từ lưng dưới, qua mông và xuống chân, kết thúc ngay dưới đầu gối. Dây thần kinh tọa có nhiệm vụ kiểm soát một số cơ ở cẳng chân và cung cấp cảm giác cho da bàn chân và phần lớn cẳng chân.

Đau thần kinh tọa thường xảy ra khi thoát vị đĩa đệm hoặc xương phát triển quá mức gây áp lực lên một phần của dây thần kinh. Điều này gây viêm, đau và thường bị tê ở chân bị ảnh hưởng.

Một số chuyên gia ước tính rằng có tới 40% người sẽ bị đau thần kinh tọa ít nhất một lần trong đời. Vì vậy, đau thần kinh tọa dễ nhầm với đau lưng nói chung.

Đau thần kinh tọa không chỉ giới hạn ở lưng. Điều này có nghĩa đau thần kinh tọa không chỉ là tình trạng còn là triệu chứng của một vấn đề khác liên quan đến dây thần kinh tọa.

4 thói quen cần tránh khiến đau thần kinh tọa thêm trầm trọng - Ảnh 1.

Đau thần kinh tọa là dạng bệnh do cơn đau kích thích dây thần kinh hông.

Biểu hiện đau thần kinh tọa

Đau dây thần kinh tọa có thể ở hầu hết mọi nơi dọc theo con đường thần kinh, có khả năng đi theo một con đường từ thắt lưng đến mông và mặt sau của đùi và bắp chân. Bệnh có thể có một hoặc các triệu chứng như: Triệu chứng chính là đau nhói ở bất cứ đâu dọc theo dây thần kinh tọa; từ lưng dưới, qua mông và xuống mặt sau của một trong 2 chân.

Các triệu chứng phổ biến khác của đau thần kinh tọa bao gồm:

+ Tê chân dọc theo dây thần kinh.

+ Một số người cũng bị tê, ngứa ran hoặc yếu cơ ở chân hoặc bàn chân.

+ Một phần của chân có thể bị đau, trong khi phần khác có thể bị tê.

+ Cảm giác ngứa ran (kim châm) ở bàn chân và ngón chân

+ Cơn đau này có thể ở mức độ nghiêm trọng và có thể trầm trọng hơn khi ngồi trong thời gian dài.

+ Cơn đau có thể thay đổi từ đau nhẹ đến đau nhói, nóng rát. Đôi khi nó có thể cảm thấy như bị giật hoặc điện giật.

+ Cơn đau tệ hơn khi ho, hắt hơi hoặc ngồi lâu. Thông thường, đau thần kinh tọa chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể.

4 thói quen cần tránh khiến đau thần kinh tọa thêm trầm trọng - Ảnh 2.

Giảm thiểu các thói quen xấu có thể khiến tình trạng đau thần kinh tọa thêm trầm trọng.

Giảm thiểu đau thần kinh tọa cần tránh 4 thói quen xấu sau

- Tránh ngồi một chỗ quá lâu

Việc ngồi liên tục nhiều giờ liền sẽ tạo áp lực nặng nề lên phần thắt lưng, từ đó chèn vào dây thần kinh hông to khiến cơn đau thêm phần trầm trọng. Vì vậy, người bệnh nên đứng dậy và đi lại nhẹ nhàng sau mỗi giờ để máu huyết được lưu thông hiệu quả.

- Tránh tập luyện cường độ nặng

Những bài tập cường độ cao, các môn thể thao vận động mạnh buộc cơ bắp phải chịu áp lực, gây nhức mỏi cơ, không phù hợp cho bệnh nhân đau thần kinh tọa. Người bệnh chỉ nên tập luyện nhẹ nhàng, vừa sức của mình để tránh ảnh hưởng đến cơn đau.

- Tránh khom lưng khi di chuyển

Nên giữ lưng, đầu và cổ ở tư thế tự nhiên khi di chuyển, không nên khom lưng quá sâu hay thẳng lưng quá mức để lưng dưới không phải chịu áp lực, dồn tải trọng lên dây thần kinh nhằm tránh tình trạng đau thần kinh tọa ngày càng nặng nề.

- Tránh nhặt đồ sai tư thế

Thói quen cúi người xuống để nhặt đồ sẽ tạo áp lực lên cột sống, cơ và dây chằng ở lưng, đặc biệt là vật nặng, điều này sẽ khiến cho cơn đau thần kinh tọa trở nên khó chịu hơn. Tư thế đúng là hãy ngồi xổm xuống, thẳng lưng sau đó mới nhặt đồ.

Lời khuyên bác sĩ

Đau thần kinh tọa có thể không nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm suy yếu chi dẫn đến tàn phế ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Hầu hết mọi người hồi phục hoàn toàn khỏi chứng đau thần kinh tọa sau vài tuần điều trị. Những người bị đau thần kinh tọa nghiêm trọng và yếu chân nghiêm trọng hoặc thay đổi ruột hoặc bàng quang có thể cần phẫu thuật.

Tóm lại, người bệnh nên đi khám nếu: Cơn đau kéo dài hơn một tuần, nghiêm trọng hoặc trở nên tồi tệ hơn. Đau đột ngột, dữ dội ở thắt lưng hoặc một chân và tê hoặc yếu cơ ở chân; Đau sau chấn thương dữ dội, chẳng hạn như tai nạn giao thông; Gặp khó khăn kiểm soát ruột hoặc bàng quang (bọng đái)... Vì vậy ngoài việc loại bỏ 4 thói quen xấu trên, tốt nhất người bệnh cần thăm khám và điều trị kịp thời.

Theo suckhoedoisong.vn