Nhồi máu cơ tim cấp diễn ra khi cơ tim cục bộ bị thiếu máu dẫn đến hoại tử cơ tim. Một trong số các nguyên nhân phổ biến là do vỡ mảng xơ vữa khiến máu bị đông lại trong động mạch vành ngăn cản lượng máu cung cấp cho cơ tim.
Nguy cơ nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi
Nhồi máu cơ tim là tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim cấp gây những cơn đau thắt ngực và sau đó là hoại tử cơ tim dẫn đến suy tim hoặc đột tử.
Nguyên nhân chủ yếu là do xơ vữa động mạch vành. Các mảng xơ vữa làm giảm khẩu kính lòng mạch (giảm kích cỡ lòng mạch máu) và dần dần gây tắc. Các mảng xơ vữa này có thể nứt vỡ bất cứ lúc nào, đột ngột, sau đó khởi động quá trình tạo thành các cục huyết khối. Chính quá trình này gây tắc động mạch vành, tạo ra các cơn đau thắt ngực, triệu chứng chính của nhồi máu cơ tim.
Nhồi máu cơ tim trước đây được biết đến là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện bệnh đang trẻ hóa với số lượng người trẻ mắc nhồi máu cơ tim ngày càng tăng cao.
Ở người trẻ, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên nhồi máu cơ tim là lối sống không khoa học, thiếu lành mạnh hình thành các mảng xơ vữa nhanh chóng và dẫn đến nhồi máu cơ tim.
1. Căng thẳng kéo dài
Tình trạng stress kéo dài khiến thần kinh căng thẳng, kéo theo nguy hại đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có hệ tim mạch. Trên thực tế người trẻ do áp lực công việc, cuộc sống gia đình và các quan hệ khác gặp căng thẳng kéo dài nên có thể có xu hướng cần giải tỏa dẫn đến tình trạng ăn quá nhiều, hút thuốc thường xuyên hoặc uống nhiều rượu hơn bình thường nên gây hại cho tim mạch.
Vì vậy, để giảm căng thẳng hãy dành thời gian để thư giãn bằng cách sắp xếp công việc một cách hợp lý, tập thể dục, nghe nhạc, hoặc thực hành thiền để cải thiện tinh thần và sức khỏe.
2. Thói quen ăn uống không lành mạnh
Thói quen ăn uống không lành mạnh, không đúng chế độ, dẫn đến béo phì cũng là một trong những nguyên nhân gây nên nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi. Khá nhiều người sử dụng nhiều đồ ăn ngọt, ăn nhanh, ăn ít rau xanh vừa làm tăng nguy cơ đái tháo đường vừa khiến tăng nguy cơ béo phì, làm cho lượng đường máu cao dễ gây ra nhồi máu cơ tim.
Liên quan đến chế độ ăn uống, nhiều người không kiểm soát tốt, ăn uống nhiều đồ chiên dầu, phủ tạng động vật khiến không kiểm soát lipid máu, lipid máu tăng cao dễ lắng đọng vào thành mạch, gây xơ vữa thành mạch, tạo điều kiện gây ra nhồi máu cơ tim.
3. Thói quen sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá
Sử dụng quá nhiều chất kích thích, rượu bia là thói quen xấu mà phần lớn người trẻ đều mắc phải, đặc biệt là nam giới. Điều này khiến chúng ta có thể phải đối diện với tình trạng tăng huyết áp và có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
Bên cạnh đó, nghiện thuốc lá trực tiếp làm hỏng lá phổi, còn khiến đẩy cao hàm lượng cholesterol trong cơ thể làm tăng nguy cơ hình thành những cục máu đông và ngăn chặn quá trình tuần hoàn máu lên não.
4. Thói quen ngồi quá nhiều, lười vận động và thức quá khuya
Việc thức quá khuya, lười vận động, ngồi quá nhiều được xem là một trong những thói quen xấu nhiều người trẻ mắc phải ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Khi thức quá khuya, tâm trạng quá căng thẳng, lo lắng, áp lực khiến liên tục tiết ra các chất adrenaline và kích thích các yếu tố khác gây ra bất thường trong mạch máu và nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra việc ngồi quá nhiều ít vận động thể chất nhìn chằm chằm vào điện thoại hay các thiết bị điện tử trong thời gian dài có thể làm nén các mạch máu ở cổ gây ra tình trạng ứ đọng mạch máu hình thành các cục máu đông. Nếu không thay đổi, sẽ khiến gia tăng nguy cơ tim mạch nhất là đột quỵ.
Lời khuyên thầy thuốc
Nhồi máu cơ tim ở người cao tuổi có thể diễn ra sau một quá trình dài, xơ vữa động mạch còn với người trẻ tuổi chủ yếu bệnh do các sự hình thành huyết khối trong lòng động mạch gây ra từ stress, béo phì, hút thuốc lá nhiều năm kéo dài.
Nếu ở người già, xơ vữa động mạch diễn ra từ từ làm cơ tim có sự thích nghi nhất định với tình trạng thiếu máu cơ tim, nhưng điều này xảy ra với người trẻ lại khá nguy hiểm. Đặc biệt người trẻ lại thường rất chủ quan với bệnh nhồi máu cơ tim nên càng dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.
Để phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim, điều cần làm đầu tiên là thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt một cách khoa học cụ thể.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào hoặc bất kỳ loại thuốc lá mới nào. Ổn định cân nặng ở mức tương đối, phù hợp.
- Chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý.
- Tập luyện thể dục, vận động thường xuyên.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, áp lực. Hạn chế rượu bia, chất kích thích, chất béo.
- Thực hiện khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm để đảm bảo sức khỏe, tầm soát bệnh nói chung. Đặc biệt, đối với người trẻ có nguy cơ tăng huyết áp, nhiều cholesterol, đái tháo đường, gia đình có người bị nhồi máu cơ tim cần khám sức khỏe thường xuyên hơn.
Theo suckhoedoisong.vn