Trong y học cổ truyền, những triệu chứng của bệnh cúm (cảm cúm) được chia thành những thể bệnh khác nhau như sau:

  • Cảm cúm do phong hànPhát sốt, sợ rét, không mồ hôi, đau đầu, mình mẩy chân tay nhức mỏi, mũi tắc, chảy nước mũi trong, hắt hơi, ho có chút đờm loãng, ngứa họng, nặng tiếng; rêu lưỡi trắng mỏng.
  • Cảm cúm do phong nhiệt: Phát sốt, ra mồ hôi, hơi sợ gió lạnh, đau đầu, ngạt mũi, nước mũi đục, họng sưng đau, miệng khô, khát nước, ho đờm vàng đặc; rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng.
  • Cảm cúm do nhiệt ẩm: Thân nhiệt cao, mồ hôi ít, mình và chân tay nhức mỏi đau, váng đầu, đầu nặng căng nhức, chảy nước mũi, tâm phiền, miệng khát nhưng không uống nhiều, tức ngực, tiểu rắt; rêu lưỡi vàng.
  • Cảm cúm do thân thể hư nhược: Phát nhiệt đau đầu đổ mồ hôi, ho, họng viêm trắng, thở gấp, tim đập không đều, mệt mỏi, rêu lưỡi trắng.
photo-1696692153470
 

Tỏi có tác dụng ức chế mạnh đối với virus cúm,

Theo y học hiện đại, bệnh do virus nên có thể tự khỏi trong vòng 7-10 ngày. Điều trị bệnh cúm chủ yếu điều trị triệu chứng. Việc sử dụng kháng sinh trong trường hợp này có thể gây thêm tác dụng phụ và loại bỏ các vi khuẩn có lợi cho sức khỏe. Vì vậy, thay vì dùng kháng sinh, người bị cảm cúm có thể điều trị bằng cách nghỉ ngơi, uống nhiều nước và sử dụng một số bài thuốc nam dưới đây để giảm triệu chứng, đẩy nhanh quá trình lành bệnh.

Một số bài thuốc nam hỗ trợ điều trị cảm cúm

Bài 1: Gừng tươi 20g, tỏi 5-6 nhánh, sắc nước uống.

Bài thuốc có tác dụng phòng ngừa và chữa trị bệnh cúm thể phong hàn. Trong bài gừng tươi có tác dụng phát hãn giải biểu (làm ra mồ hôi để giải cảm), tỏi có tác dụng giải độc.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, tỏi có tác dụng ức chế mạnh đối với virus cúm, còn gừng có tác dụng làm giảm hoạt tính của nhiều loại virus..

Bài 2: Kim ngân hoa 15g, đậu xanh (để cả vỏ) 30g, sắc nước uống trong ngày.

Trong bài, kim ngân hoa có tác dụng phát tán phong nhiệt (trừ gió nóng), thanh nhiệt giải độc. Đậu xanh có tác dụng dưỡng âm và thanh nhiệt giải độc. Hai vị kết hợp với nhau, có tác dụng phòng ngừa và chữa trị cảm cúm thể phong nhiệt.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, kim ngân hoa có tác dụng ức chế tương mạnh đối với virus cúm, ngoài ra còn có tác dụng làm giảm hoạt tính của nhiều loại virus khác.

photo-1696692154491

Gừng có tác dụng làm giảm hoạt tính của nhiều loại vi-rút.

Bài 3: Quán chúng 15g, bạc hà 10g, sắc nước uống.

Bài thuốc có tác dụng phòng ngừa cảm cúm thể phong nhiệt. Trong bài: Quán chúng có tác dụng thanh nhiệt giải độc, dự phòng bệnh thời khí (bệnh do thời tiết khí hậu gây ra). Bạc hà có tác dụng làm ra mồ hôi, hạ sốt; dùng chữa cảm cúm, mũi ngạt, đầu nhức, còn xúc tiến tiêu hóa, chữa kém ăn, ăn uống không tiêu, đau bụng đi ngoài...

Bài 4: Tô diệp (lá tía tô) 15g, gừng tươi 5 lát; sắc nước uống.

Bài thuốc có tác dụng phòng ngừa cảm cúm thể phong hàn. Cả 2 vị tía tô và gừng tươi đều được xếp trong loại thuốc phát tán phong hàn (những vị thuốc dùng chữa các chứng ngoại cảm do khí lạnh gây nên). Tía tô tác dụng tán hàn giải cảm, hành khí và giải độc. Gừng tươi, giải cảm phong hàn, còn có tác dụng "ôn trung chỉ ẩu" (ấm bụng chống nôn), "ôn phế chỉ khái" (ấm phổi trừ ho).

Bài 5: Bạc hà 6g, kinh giới 15g, lô căn (rễ sậy) 12g; sắc nước uống.

Bài thuốc có tác dụng phòng ngừa cảm cúm trong 4 mùa. Theo các nghiên cứu hiện đại, rau kinh giới chứa hợp chất carvacrol và thymol có thể tiêu diệt tác nhân gây nên bệnh cúm. Lô căn, bạc hà giúp hạ sốt, mát phổi, giảm ho thường được dùng điều trị hiệu quả các triệu chứng cảm cúm.

Bệnh cúm là bệnh có khả năng lây nhiễm cao, dễ lây lan thành dịch. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua không khí, virus vào cơ thể qua đường mũi họng. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng với những người có bệnh ở đường hô hấp, suy hô hấp mạn tính dễ cảm nhiễm hơn. Vì vậy nên tiêm phòng hàng năm trước mùa cúm. Khi có triệu chứng cúm cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.

Theo suckhoedoisong.vn