Với rất nhiều người, ăn dường như là một cách hiệu quả để kiểm soát cảm xúc tiêu cực, vơi đi nỗi buồn, lo âu và trầm cảm. Tuy nhiên, thói quen này lại không hề có lợi, rất dễ dẫn tới tình trạng tiêu thụ thực phẩm quá mức.
Trên thực tế, stress kích thích cơ thể giải phóng hormone cortisol và việc ăn đồ ăn yêu thích thực sự có thể cải thiện tâm trạng. Melissa Majumdar, chuyên gia dinh dưỡng kiêm phát ngôn viên của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Hoa Kỳ cho biết, tiêu thụ thực phẩm đem lại cảm giác thỏa mãn, niềm vui lớn tới mức thậm chí bằng với việc sử dụng thuốc. Ngoài ra, thói quen ăn vặt cũng gây ra sự phân tâm và giúp bạn dễ thoát khỏi dòng suy nghĩ tiêu cực.
Tuy nhiên, ăn không phải là cách lành mạnh để dập tắt căng thẳng. Nếu bạn đang bị stress, phải đối mặt với căng thẳng liên tục trong cuộc sống, hãy áp dụng một vài mẹo đơn giản dưới đây để chế ngự cơn thèm ăn và giải tỏa tâm trạng:
Cân bằng các chất
Tuy các món ăn chứa nhiều đường và chất béo giúp vơi đi cảm xúc tiêu cực, chúng lại khiến cho lượng đường huyết trong cơ thể tăng không phanh. Cuối cùng, bạn sẽ cảm thấy đói trở lại và tiếp tục tìm tới nhiều đồ ăn kém lành mạnh.
Thay vì thưởng thức bánh ngọt, khoai tây chiên, các chị em nên dành thời gian vào việc cân bằng protein và chất xơ trong chế độ dinh dưỡng mỗi ngày. Những chất cơ thể phải mất nhiều thời gian để tiêu hóa này sẽ giúp giảm và duy trì lượng đường huyết trong máu ở mức ổn định. Chuyên gia Melissa gợi ý, mọi người hãy lựa chọn thực phẩm bổ sung nhiều carb như các loại quả mọng, dưa. Trứng, sữa chua Hy Lạp, phô mai tươi cũng sở hữu một lượng lớn protein.
Ăn uống điều độ
Dena Cabrera, tiến sĩ tâm lý học kiêm giám đốc điều hành Trung tâm Rối loạn Ăn uống Rosewood giải thích, trải qua một ngày dài, căng thẳng cộng với việc bỏ bữa sẽ khiến bạn thèm ăn hơn.
Do đó, các chị em đừng quên ăn đúng giờ và dùng bữa nhẹ sau mỗi 3-4 tiếng. Việc ăn thường xuyên như vậy vừa giúp kiểm soát khẩu phần ăn vừa hạn chế cảm giác thèm ăn do căng thẳng gây ra. Theo TS Dena, mục đích của việc làm này là tạo cảm giác thỏa mãn và tránh thói quen ăn vặt để giải tỏa tâm trạng.
Thực hành thiền chánh niệm
Nghiên cứu được công bố vào tháng 2/2017 trên Tạp chí Appetite đã chỉ ra, thực hành thiền chánh niệm hàng ngày có thể giảm thói quen ăn vặt ở những người sở hữu mức độ căng thẳng cao và kéo dài. Một số cách dễ dàng để kiểm soát cơn thèm ăn và hạn chế thói quen ăn vặt do stress gây ra bao gồm:
- Ăn chậm và ăn có mục đích.
- Hít thở sâu vài lần trước mỗi bữa ăn.
- Đặt đũa hoặc thìa xuống giữa các lần ăn.
Ngoài ra, bạn cũng đừng quên kiểm tra mức độ căng thẳng trước khi ăn. Việc biết được bản thân có đói, tức giận, lo âu, cô đơn, mệt mỏi hay không sẽ giúp xác định xem bạn thực sự muốn ăn vì đói hay đang bị cảm xúc chi phối.
Tạo môi trường ăn uống thích hợp
Sai lầm rất nhiều chị em mắc phải là ăn trong khi đang xem TV hoặc dùng điện thoại. Mọi người cũng nên tránh dùng bữa ở những khu vực dễ nhìn thấy thực phẩm hoặc tủ lạnh. Chuyên gia Melissa cho biết, không nhiều người có thể kiểm soát được bản thân khi vô tình bắt gặp một túi khoai tây chiên hoặc bánh quy.
Một cách khác để đảm bảo môi trường không kích thích thói quen ăn vặt là cất thức ăn thừa ngay sau khi dọn ra bàn để hạn chế khả năng lấy thêm lần tiếp theo.
Thay đổi kế hoạch
Nếu bạn đang cảm thấy căng thẳng, đừng lái xe ngay đến nhà hàng để thưởng thức món ăn yêu thích. Chuyên gia Melissa nhấn mạnh, hướng suy nghĩ sang những cách giải tỏa tâm trạng không liên quan tới thực phẩm là yếu tố quan trọng.
Đôi khi những việc làm đơn giản như dắt thú cưng đi dạo cũng đem lại hiệu quả không kém việc thưởng thức một đĩa khoai tây chiên. Nếu có điều kiện, bạn có thể dành ra một chút thời gian để nghỉ ngơi, nghe nhạc, tụ tập cùng bạn bè, tham gia các hoạt động thể thao hoặc thậm chí đi chơi, hòa mình vào thiên nhiên.
Mai Nhung (Nguồn: Health)