Tuy nhiên, nhiều người dễ nhầm lẫn cho rằng bị cảm lạnh, cảm cúm thông thường… Vì vậy, dưới đây là các dấu hiệu của viêm mũi xoang.
1. Các cấp độ viêm mũi xoang
Viêm mũi xoang là tình trạng viêm mũi và các xoang cạnh mũi bị sưng, viêm, tích tụ chất nhầy bên trong. Xoang là những túi hốc rỗng, chứa đầy khí, nằm sau trán, mũi, gò má và ở giữa mắt. Xoang sản xuất chất nhầy để bảo vệ cơ thể bằng cách bẫy và di chuyển dị nguyên ra xa.
Đôi khi, virus hoặc chất gây dị ứng gây ra quá nhiều chất nhầy, làm tắc lỗ thông của xoang. Chất nhầy ứ đọng trong hốc mũi xoang là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Các mức độ của viêm mũi xoang như sau:
- Ở cấp độ viêm mũi xoang cấp tính: Biểu hiện thường bắt đầu đột ngột và kéo dài 1-2 tuần sau khi nhiễm virus. Trong trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn, viêm xoang cấp tính có thể kéo dài từ 2-4 tuần. Nhiễm trùng thường là một phần của cảm lạnh, cảm cúm hoặc các bệnh đường hô hấp khác.
- Ở cấp độ viêm mũi xoang bán cấp: Viêm xoang bán cấp có thể kéo dài đến 3 tháng, từ 4 đến 12 tuần. Tình trạng này thường xảy ra với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc dị ứng theo mùa, được xem là giai đoạn chuyển tiếp từ viêm xoang cấp sang viêm xoang mạn.
- Ở cấp độ viêm mũi xoang mạn tính: Viêm xoang mạn tính kéo dài trên 3 tháng hoặc tiếp tục tái phát. Viêm xoang mạn tính có thể xảy ra do nhiễm khuẩn, nhưng chủ yếu do dị ứng dai dẳng hoặc các vấn đề về cấu trúc mũi (ví dụ: polyp mũi, lệch vách ngăn mũi).
2. Biểu hiện của viêm mũi xoang
Khi viêm mũi xoang có 5 biểu hiện sau:
- Biểu hiện đau xoang
Người bệnh viêm mũi xoang có các biểu hiện đau xoang - đau và nhức vùng mặt - đây là một biểu hiện phổ biến của bệnh viêm xoang. Nguyên nhân là tình trạng viêm và sưng tấy khiến các xoang đau nhức, cơn đau do viêm xoang cấp tính gây ra sẽ nghiêm trọng hơn.
Các vị trí gần xoang có thể ảnh hưởng đến vùng xung quanh gây đau, sưng và đỏ. Ví vụ, viêm xoang hàm gây đau ở vùng mặt trước xoang hàm, đau răng và nhức vùng trán. Viêm xoang trán gây đau nhức ở vùng trán.
Viêm xoang sàng gây ra đau đằng sau và giữa hai mắt, nhức vùng trán, viêm tấy quanh ổ mắt và chảy nước mắt. Viêm xoang bướm ít gây đau cục bộ hơn.
- Biểu hiện chảy nước mũi
Viêm mũi xoang có biểu hiện chảy nước mũi, các dịch trong xoang bị nhiễm trùng có thể chảy vào đường mũi, khiến người bệnh phải sổ mũi liên tục. Nước mũi có thể màu trắng đục, màu xanh hoặc vàng. Dịch nhầy cũng có thể đi qua mũi và chảy xuống phía sau cổ họng.
- Biểu hiện ngạt mũi
Do viêm nhiễm khiến gây sưng xoang, niêm mạc mũi đỏ và phù nề, gây ngạt mũi và tắc nghẽn, hạn chế khả năng thở bằng mũi. Nghẹ mũi dẫn đến ngửi kém hoặc mất ngửi.
Bên cạnh các biểu hiện đau nhức tai, đau răng, đau hàm và má; áp lực và sưng tấy xoang có thể gây đau đầu. Các biểu hiện đau đầu do viêm xoang nặng hơn vào buổi sáng vì chất nhầy tích tụ trong xoang suốt đêm. Tình trạng này nặng hơn nếu thay đổi áp suất ví dụ người bệnh đi lên cao, đi máy bay, lặn dưới biển,… tạo ra sự chênh lệch áp suất giữa không khí và các xoang, có thể khiến cho cơn đau đầu trở nên tồi tệ hơn.
- Biểu hiện ngứa cổ họng và ho
Do viêm mũi xoang nên sẽ có dịch từ xoang chảy xuống phía sau cổ họng, nó có thể gây ho và ho dai dẳng, đặc biệt là vào ban đêm khi nằm ngủ hoặc buổi sáng sau khi thức dậy. Điều này có thể gây khó ngủ, do vậy người bệnh hãy nằm thẳng và kê cao đầu khi ngủ để giảm triệu chứng.
- Biểu hiện đau họng và khàn giọng
Do viêm nhiễm khi chất nhầy chảy xuống sau cổ họng có thể gây đau rát cổ họng. Ban đầu, nó chỉ gây nhột và ngứa. Nhưng khi tình trạng nhiễm trùng kéo dài trong vài tuần hoặc hơn, chất nhầy có thể gây kích ứng và làm viêm cổ họng, dẫn đến đau họng và khàn giọng.
Ngoài ra, viêm mũi xoang có thể gây ra một số triệu chứng khác như: sốt và ớn lạnh, hơi thở hôi, viêm tấy quanh ổ mắt, đau răng và đau nhức tai.
3. Viêm mũi xoang khi nào cần đi khám?
Thông thường viêm mũi xoang do virus thường có thể tự khỏi nhưng nếu bị chảy nước mũi, ngạt mũi, đau vùng mặt kéo dài; có biểu hiện sốt hoặc nhiễm trùng tái phát, cần tới cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và điều trị.
Việc điều trị sớm, dứt điểm giúp ngăn ngừa viêm mũi xoang chuyển thành mạn tính và gây biến chứng. Các biến chứng do viêm mũi xoang dễ xảy ra hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền (đặc biệt là bệnh đáo tháo đường), bị polyp mũi, vẹo vách ngăn mũi hay nhiễm cầu khuẩn Streptococcus, Stapylocossus …
4. Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng ngừa viêm mũi xoang cần có lối sống lành mạnh, hạn chế khả năng tiếp xúc với người nhiễm bệnh đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm; Khi bị cảm cúm cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và điều trị hợp lý.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước rửa tay, đặc biệt là trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, khi đi ra ngoài chơi. Hạn chế tiếp xúc với khói, bụi, hóa chất, phấn hoa và các chất gây dị ứng hoặc kích ứng mũi và xoang.
Nếu viêm mũi xoang gây ra bởi dị ứng thì kiểm soát dị ứng là cần thiết để ngăn ngừa các đợt viêm xoang lặp đi lặp lại. Không hút thuốc lá, thuốc lào và tránh hít khói thuốc thụ động (hút thuốc làm hỏng các yếu tố bảo vệ tự nhiên của mũi, miệng, cổ họng và hệ hô hấp);
Ngoài ra, thường xuyên lau dọn vệ sinh nhà ở, nơi làm việc, cần tiêm vaccine cúm hàng năm. Viêm mũi xoang có thể điều trị được và nếu được chăm sóc và dùng thuốc đúng cách hầu hết bệnh có khỏi trong vòng 1-2 tuần. Vì vậy, khi có biểu hiện cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng.
Theo suckhoedoisong.vn