Nguyên nhân gây cận thị ở trẻ
Cận thị do rất nhiều nguyên nhân như:
- Trẻ bị thiếu ngủ hoặc ít ngủ, đặc biệt là từ 7-9 tuổi và 12-14 tuổi. Trong khoảng thời gian này, nếu trẻ ngủ quá ít hoặc không đủ thời gian để ngủ vì học quá nhiều sẽ dễ gây ra cận thị.
- Trẻ sinh ra mà trọng lượng cơ thể quá nhẹ (trọng lượng cơ thể dưới 2,5kg) đến tuổi thiếu niên dễ bị cận thị. Trẻ sinh thiếu tháng (sinh thiếu từ 2 tuần trở lên) thường bị cận thị từ khi học vỡ lòng.
- Ngoài ra, trẻ xem ti vi quá gần, nếu như ngày nào trẻ cũng xem ti vi nhiều hơn 2 giờ, với khoảng cách từ mắt tới ti vi nhỏ hơn 3m thì sẽ làm cho thị lực suy giảm rất nhiều.
- Khi ngồi học hoặc xem sách báo mà cúi gằm mặt xuống bàn, tư thế ngồi không ngay ngắn, đọc sách trong điều kiện ánh sáng không đảm bảo… cũng rất dễ bị cận thị.
Khi bị cận thị việc đeo thêm một chiếc kính sẽ gây cản trở rất nhiều trong sinh hoạt, học tập và làm việc. Nhưng nguy hiểm hơn là cận thị dễ gây biến chứng như xuất huyết võng mạc, giãn lồi, thoái hóa võng mạc, nhược thị dẫn đến giảm thị lực trầm trọng gây mù loà. Vì vậy, điều dễ làm với tất cả các em học sinh là ngồi học đúng tư thế và không để mắt hoạt động quá mức.
Phòng tránh cận thị ở trẻ cần ghi nhớ những điều sau
- Cần ánh sáng tốt và có độ sáng phù hợp
Bảo đảm đủ ánh sáng trong các phòng học, lớp học cho trẻ em. Ánh sáng phải được phân bố đều và có cường độ tốt, không gây lóa mắt.
Ánh sáng đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết mắt. Để tránh căng thẳng ở mắt và các vấn đề khúc xạ, hãy đảm bảo nơi làm việc, học tập được chiếu sáng đầy đủ. Nên tận dụng ánh sáng tự nhiên.
- Đảm bảo khoảng cách và tư thế ngồi đúng
Khi đọc sách hoặc viết, học sinh nên giữ khoảng cách 30-40cm, ở trẻ em là 25cm. Nếu sử dụng màn hình máy tính, hãy giữ khoảng cách 60cm để giảm căng thẳng mắt và tác động xấu từ ánh sáng màn hình. Nên chọn tư thế ngồi thẳng lưng và cổ để tránh gặp các vấn đề về tật khúc xạ, mệt mỏi hay gù lưng.
Mặc dù để thay đổi thói quen giúp trẻ có tư thế ngồi học đúng để phòng chống cận thị cho trẻ không hề đơn giản. Vì vậy, bên cạnh những lời nhắc nhở, cha mẹ cần chuẩn bị bàn học có kích thước phù hợp. Đồng thời tìm cách giúp trẻ vui vẻ khi ngồi học tại bàn. Không để trẻ nằm trên giường đọc sách, nhìn điện thoại.
- Cần hoạt động thể chất ngoài trời và hạn chế xem thiết bị điện tử
Thay vì xem TV hoặc sử dụng điện thoại trong thời gian rảnh, hãy tham gia vào các hoạt động thể thao và tập luyện. Những hoạt động này không chỉ cải thiện sức khỏe mà còn giúp mắt được nghỉ ngơi sau những giờ học và làm việc căng thẳng, từ đó hạn chế các vấn đề khúc xạ.
Thực tế cho thấy nếu tiếp xúc nhiều với màn hình của các thiết bị điện tử chứa phần lớn ánh sáng xanh thì sẽ gây hại cho mắt. Và chính lượng ánh sáng xanh là nhân tố vô hình phá hủy võng mạc mắt của trẻ. Ánh sáng xanh nguy hiểm có bước sóng ngắn, năng lượng cao nên khi đến võng mạc chúng sẽ gây hại. tổn thương, thậm chí làm chết tế bào thị giác, nhất là tế bào biểu mô sắc tố võng mạc, gây rối loạn điều tiết mắt, suy giảm thị lực và tăng nguy cơ mù lòa. Vì vậy, cần thường xuyên nhắc nhở, tránh để trẻ tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử để chống cận thị cho trẻ.
- Chế độ ăn giàu vitamin A, B, C…
Bổ sung cho trẻ các loại vitamin như A, B, C, E, Calcium… Các món ăn có thể giúp cải thiện sức khỏe cho mắt là thực phẩm nhiều vitamin A như cà rốt, cà chua, bí đỏ, ớt chuông, bông cải xanh, các loại rau màu xanh đậm, gan, trứng gà, cá, dâu tằm…
Các loại cá biển, hải sản rất tốt cho mắt. Thành phần dinh dưỡng của cá rất đa dạng, tốt cho cơ thể của trẻ. Đặc biệt, cá chứa nhiều acid béo Omega-3 có tác dụng cải thiện thị lực và thúc đẩy sức khỏe võng mạc phía sau mắt. Dưỡng chất này còn có tác dụng cải thiện tình trạng khô mắt ở người bệnh. Ăn cá biển giúp tăng cường sức mạnh não bộ và các tế bào thần kinh thị giác. Hải sản còn chứa selen, vitamin B, C tốt cho võng mạc. Lựa chọn các loại cá biển, hải sản cũng có tác dụng phòng chống cận thị cho trẻ em, giúp mắt sáng và khỏe mạnh hơn.
- Thực hiện kiểm tra mắt định kỳ
Đôi mắt sáng khỏe, thị lực ổn định sẽ luôn là nền tảng tuyệt vời giúp trẻ tự tin. Thông qua quy trình, cách đo mắt cận, khám mắt định kỳ giúp đảm bảo sức khỏe cho đôi mắt cũng như phát hiện sớm các vấn đề về thị lực.
Can thiệp và điều trị kịp thời, đúng cách các vấn đề về mắt chính là chìa khóa giúp bạn ổn định thị lực.
Chính vì vậy, cha mẹ cần cho con khám mắt định kỳ vì đây là việc làm quan trọng giúp phát hiện và điều trị kịp thời chứng cận thị nói riêng, các tật khúc xạ nói chung để duy trì đôi mắt khỏe mạnh.
Theo suckhoedoisong.vn