Chứng sa sút trí tuệ kéo theo sự suy giảm chức năng tâm thần từ mức độ cao hơn trước đó đến mức đủ nghiêm trọng để cản trở cuộc sống hàng ngày.

1. Đông y có chữa được chứng sa sút trí tuệ?

ThS. Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện TW Quân đội 108, trong Đông y không có bệnh danh "sa sút trí tuệ" nhưng căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng có thể thấy tình trạng này thuộc phạm vi các chứng như "ngốc bệnh", "kiện vong", "điên chứng", "thiện vong", "lão suy"...

Cho đến nay, về cơ chế bệnh sinh của căn bệnh này các nhà Đông y đều thống nhất cho rằng vị trí của bệnh là ở não nhưng có liên quan mật thiết với tạng phủ khác như tâm, tỳ, can và đặc biệt là thận.

Đối với căn bệnh này, phương pháp điều trị của y học cổ truyền là hết sức phong phú, có thể chia thành 2 nhóm chính: Dùng thuốc và không dùng thuốc nhưng tất cả đều phải tuân thủ nguyên tắc chung là lấy việc kiện tỳ, bổ thận, hoạt huyết làm căn bản, trên cơ sở đó mà gia giảm các vị thuốc hoặc huyệt vị châm cứu cho phù hợp.

Sa sút trí tuệ là bệnh không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị nguyên nhân gây sa sút trí tuệ sẽ giúp bệnh tiến triển chậm, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Đông y không chữa khỏi được chứng sa sút trí tuệ nhưng có những bài thuốc theo từng thể bệnh, hỗ trợ điều trị để giảm sự tiến triển nhanh của bệnh.

5 câu hỏi thường gặp cho người bệnh sa sút trí tuệ- Ảnh 1.
 

Chứng sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.

2. Cách xử trí cho người mắc chứng sa sút trí tuệ

Hoạt động thể chất và xã hội: Hoạt động thể chất và tương tác xã hội có thể làm giảm sự tiến triển chứng sa sút trí tuệ, giảm các triệu chứng của nó. Vận động nhiều hơn, tập thể dục khoảng 150 phút mỗi tuần.

Không hút thuốc lá: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc ở tuổi trung niên trở lên có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ, các bệnh về mạch máu. Bỏ hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ, cải thiện sức khỏe.

Cung cấp đủ vitamin cho cơ thể: Một số nghiên cứu cho thấy những người có lượng vitamin D trong máu thấp có nhiều khả năng mắc bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Có thể cung cấp vitamin D cho cơ thể thông qua một số loại thực phẩm, thuốc, phơi nắng.

Quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch: Tuân thủ điều trị và quản lý tốt các bệnh như tăng huyết áp, cholesterol cao, đái tháo đường, giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức bình thường. Tăng huyết áp có thể dẫn đến nguy cơ mắc một vài chứng mất trí nhớ.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng vì nhiều lý do, chế độ ăn giàu trái cây, rau, ngũ cốc, acid béo omega-3 (có trong một số loại cá, các loại hạt) giúp tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ. Loại chế độ ăn này cũng cải thiện sức khỏe tim mạch, giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ. Hãy thử ăn cá béo như cá hồi 3 lần/tuần, một số các loại hạt, đặc biệt là hạnh nhân, quả óc chó nên ăn hàng ngày.

Cải thiện chất lượng giấc ngủ: Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học để có một giấc ngủ tốt.

3. Chăm sóc người mắc chứng sa sút trí tuệ tại nhà

5 câu hỏi thường gặp cho người bệnh sa sút trí tuệ- Ảnh 2.

Người mắc chứng sa sút trí tuệ cần được chăm sóc toàn diện.

Chăm sóc người mắc chứng sa sút trí tuệ là một thử thách. Mặc dù các loại bệnh sa sút trí tuệ khác nhau có thể gây ra các triệu chứng khác nhau nhưng một số cách chăm sóc nhất định đều áp dụng chung cho tất cả các loại bệnh.

Tạo thói quen hàng ngày

Hãy tạo cho người mắc chứng sa sút trí tuệ có một thói quen hàng ngày nhất quán như thức dậy và đi ngủ vào những thời điểm cố định; Tắm rửa, mặc quần áo, các hoạt động chăm sóc cá nhân khác; Ăn uống đúng giờ; Tham gia hoạt động thể chất nhẹ nhàng; Thực hiện các hoạt động thư giãn hoặc sáng tạo.

Quản lý căng thẳng

Giảm thiểu căng thẳng là điều quan trọng khi chăm sóc người mắc chứng sa sút trí tuệ. Người chăm sóc có thể giúp đỡ bằng cách: Lựa chọn các hoạt động ít có khả năng gây kích động; Hạn chế các tình huống khiến người đó trở nên thu mình, thất vọng hoặc bối rối; Giữ bình tĩnh và tích cực, đặc biệt nếu người bệnh trở nên tức giận hoặc hung hăng…

Duy trì một môi trường sạch sẽ và lành mạnh

Trong chừng mực có thể, người chăm sóc cần đảm bảo người mắc chứng sa sút trí tuệ tuân thủ thói quen vệ sinh thường xuyên, bao gồm tắm rửa, thay quần áo. Điều này có thể làm giảm nguy cơ phát ban, nhiễm trùng, bệnh truyền nhiễm và các vấn đề sức khỏe khác.

Đánh giá sức khỏe thể chất của người bị sa sút trí tuệ

Người chăm sóc cần theo dõi sức khỏe thể chất của người bị sa sút trí tuệ. Người chăm sóc cũng nên tìm kiếm các dấu hiệu chấn thương, chẳng hạn như vết bầm tím, vết cắt trên da hoặc vết thương do áp lực.

Nếu người bị sa sút trí tuệ mắc bệnh mạn tính, chẳng hạn như bệnh tim, người chăm sóc sẽ cần đảm bảo người đó dùng thuốc và đi khám theo lịch.

Cần có danh sách liên hệ của bác sĩ, bệnh viện để trong trường hợp khẩn cấp còn liên hệ kịp thời.

Giao tiếp

Giao tiếp là một yếu tố thiết yếu của việc chăm sóc. Khi chứng sa sút trí tuệ tiến triển, người bệnh có thể ngày càng khó thể hiện bản thân và hiểu được người khác.

Những lời khuyên có thể giúp những người xung quanh, người chăm sóc và những người khác giao tiếp với người mắc chứng sa sút trí tuệ như duy trì giao tiếp bằng mắt, gọi hoặc hỏi người bệnh tên, thảo luận về một chủ đề tại một thời điểm, đặt câu hỏi có hoặc không…

Nên động viên người mắc chứng sa sút trí tuệ tập thể dục nhẹ, đi bộ…; Làm một số việc nhà như nấu ăn giặt giũ, gấp quần áo với sự hỗ trợ của người chăm sóc, người trong gia đình…

4. Chứng sa sút trí tuệ có chữa khỏi được không?

Chứng sa sút trí tuệ là một tình trạng thoái hóa ảnh hưởng đến hơn 55 triệu người trên thế giới. Tình trạng này gây tổn thương não tiến triển, ảnh hưởng đến trí nhớ, giao tiếp, tính cách, tâm trạng, khả năng tự chủ...

TS.BS. Trần Công Thắng, Bộ môn Thần Kinh, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, điều trị sa sút trí tuệ hiện nay được phân ra các nhóm điều trị phòng ngừa, điều trị triệu chứng suy giảm nhận thức và điều trị rối loạn hành vị tâm thần. Về phương pháp điều trị thì có hai phương pháp: điều trị bằng thuốc và điều trị không dùng thuốc. Bên cạnh đó, việc tổ chức hỗ trợ người chăm sóc tốt cũng góp phần tăng cao hiệu quả điều trị, giảm gánh nặng cho người chăm sóc.

Ngày nay, các phương pháp điều trị có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và có thể tạm thời kiểm soát các triệu chứng đã có sẵn. Vẫn chưa có cách chữa trị chứng sa sút trí tuệ nhưng nghiên cứu về phương pháp điều trị mới đang được tiến hành. Tùy thuộc vào loại bệnh sa sút trí tuệ, đôi khi có thể làm chậm quá trình tiến triển.

5. Chi phí khám, chữa bệnh sa sút trí tuệ

Chi phí thăm khám, điều trị tùy thuộc vào từng người bệnh. Thông qua việc thăm khám lâm sàng các bác sĩ sẽ có một số chỉ định các xét nghiệm về tinh thần, thể chất, thần kinh và phương pháp chẩn đoán hình ảnh làm cơ sở giúp bác sĩ chẩn đoán.

Tùy từng cơ sở y tế chi phí khám, chẩn đoán, xét nghiệm bệnh sa sút trí tuệ áp dụng giá theo quy định.

Theo suckhoedoisong.vn