Có một số chất bổ sung thường liên quan đến các vấn đề về thận. Việc nhận biết được những chất có khả năng gây tổn hại nhất sẽ giúp bạn tránh được các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Dưới đây là một số chất bổ sung cần lưu ý:
1. Chất bổ sung nghệ
Nghệ có chứa curcumin, có đặc tính chống viêm. Nếu bạn có tiền sử các vấn đề về thận bao gồm sỏi thận, nên tránh dùng nghệ liều cao. Điều này là do củ nghệ có chứa oxalate, có thể liên kết với các khoáng chất và làm tăng nguy cơ sỏi thận.
|
|
Chất bổ sung nghệ có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. |
2. Chất bổ sung vitamin C
Đối với vitamin C điều quan trọng cũng phải tránh dùng liều cao. Mặc dù lượng khuyến nghị hàng ngày là 75 mg đối với phụ nữ và 90 mg đối với nam giới, nhưng nhiều người dùng thực phẩm bổ sung với liều lượng hơn 1.000 mg, vượt xa nhu cầu của cơ thể. Vitamin C dư thừa sẽ được bài tiết dưới dạng oxalate, có thể hình thành sỏi thận.
Một nghiên cứu liên quan đến việc bổ sung vitamin C với bệnh suy thận đã xác nhận, liều vitamin C cao đã được chứng minh là gây ra chứng tăng oxy máu và các biến chứng như chấn thương thận cấp tính...
3. Chất bổ sung vitamin D
Dùng vitamin D cũng có tác dụng phụ đối với thận. Các chất bổ sung vitamin D có thể tương tác với các chất kết dính phốt phát có chứa nhôm, thường được sử dụng ở những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính để làm giảm nồng độ phốt phát trong máu. Vì vậy, vitamin D có thể tạo ra lượng nhôm có hại ở những người mắc bệnh thận mạn tính.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những người mắc bệnh thận không nên bổ sung vitamin D. Xét nghiệm máu định kỳ để theo dõi nồng độ các khoáng chất khác nhau trong máu, nếu thiếu vitamin D bác sĩ có thể kê đơn bổ sung.
4. Chất bổ sung canxi
Bạn cũng nên tránh dùng canxi liều cao. Canxi được bài tiết qua nước tiểu và hầu hết sỏi thận đều được tạo thành từ canxi và oxalate.
|
|
Không dùng canxi liều cao để tránh nguy cơ sỏi thận. |
5. Chất bổ sung kali
Thuốc bổ sung kali có sẵn không cần kê đơn, nhưng bạn không nên bổ sung kali hàng ngày trừ khi bác sĩ chỉ định để tránh tình trạng tăng kali máu.
Tăng kali máu thường là kết quả của giảm bài tiết kali của thận hoặc dịch chuyển kali bất thường ra khỏi tế bào. Một số yếu tố góp phần đồng thời gây ra, bao gồm tăng lượng kali đưa vào, thuốc làm giảm bài tiết kali qua thận và tổn thương thận cấp tính hoặc bệnh thận mạn tính.
Do đó, những người mắc bệnh thận mạn tính, bao gồm cả những người đang chạy thận nhân tạo, phải theo dõi lượng kali nạp vào để ngăn ngừa sự tích tụ kali trong máu. Tăng kali máu gây buồn nôn, nôn, chuột rút, suy nhược và mệt mỏi. Tăng kali máu nặng có thể gây ra các vấn đề về nhịp tim và thậm chí tử vong. Do đó, việc vô tình dùng thực phẩm bổ sung thảo dược có chứa kali có thể làm tăng thêm nguy cơ tăng kali máu.
Nếu bạn gặp các triệu chứng tổn thương thận, điều quan trọng là phải chia sẻ danh sách mọi loại thuốc và chất bổ sung mà bạn đang dùng với bác sĩ. Họ có thể giúp bạn xác định xem liệu một trong những chất bổ sung của bạn có phải là nguyên nhân hay không, hay có nguyên nhân cơ bản nào khác.
Nhiều người chọn dùng thực phẩm bổ sung chế độ ăn uống để nâng cao sức khỏe, nhưng lại không để ý tới bất lợi có thể xảy ra khi dùng các sản phẩm này. Điều tốt nhất cần làm để tránh những tương tác thuốc khó chịu hoặc thậm chí nguy hiểm là tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi bạn bắt đầu dùng bất kỳ chất bổ sung nào.
Theo suckhoedoisong.vn