Quả bầu
Bầu không chỉ dùng để nấu canh, luộc, xào mà còn có thể làm gỏi, trộn salad. Ngoài hàm lượng nước cao, bầu còn rất giàu canxi, rất tốt cho xương, cho dạ dày, giúp giảm cholesterol cao và điều chỉnh lượng đường trong máu.
Dẫn lời Sức khỏe & Đời sống TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Trong 100g bầu có chứa: 95% nước, 25% phosphor, 21% calcium, 2,9% glucid, 0,5% protid, 1% cellulos, 0,2mg sắt và các vitamin: 0,02mg caroten, 0,03mg vitamin B2, 0,40mg vitamin PP, 12mg vitamin C, 0,02mg vitamin B1.bVới hơn 90% là nước, quả bầu hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ lượng nước mà cơ thể cần có, do đó là thực phẩm giải nhiệt rất hiệu quả trong ngày hè".
Ảnh minh họa
Lưu ý, quả bầu có tính mát, ngon nhưng cũng không nên ăn quá nhiều. Một tuần không nên ăn quá 3 bữa bầu và cần ăn nhiều loại rau củ khác để cơ thể được tiếp nhận phong phú vitamin và dưỡng chất. Bầu có tính lạnh nên những người đang bị lạnh bụng, đây hơi thì không nên ăn bầu.
Rau dền
Ảnh minh họa
Rau dền theo đông y là một vị thuốc hay. Có tính mát lại chứa rất nhiều dưỡng chất có lợi như canxi, sắt, vitamin C và lysine. Bên trong rau dền có hàm lượng chất canxi , sắt cao. Và điều quan trọng là rau dền không chứa acid oxalic, do vậy canxi và sắt trong rau dền sau khi đi vào cơ thể rất dễ được hấp thụ nên rất tốt cho cơ thể chúng ta đặc biệt là cho những phụ nữa mang thai.
Hoa thiên lý
Báo Phụ nữ Việt Nam dẫn lời chuyên gia ẩm thực Nguyễn Phương Hải cho biết: "Hoa thiên lý là loại rau mùa hè tốt cho sức khoẻ. Rau thiên lý tác dụng giải nhiệt, chống viêm nhiễm, chống mụn nhọt, an thần, kích thích lên da non".
Ảnh minh họa
Từ tháng 4, tháng 5 đã có hoa thiên lý. Nếu chế biến món rau này với thuỷ sản có tính hàn như chùng chục, cua, tôm... sẽ rất ngon.
Ớt chuông
Có nhiều loại ớt chuông xanh, đỏ và vàng, không chỉ làm gia vị cho món ăn mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ớt chuông chứa các chất dinh dưỡng như vitamin C và các chất chống oxy hóa khác nên nó là một thực phẩm bổ sung cần thiết cho chế độ ăn uống mùa hè.
Ảnh minh họa
Lượng vitamin C dồi dào hoạt động như một chất chống oxy hóa và ớt chuông rất giàu chất phytochemical, bao gồm phenolic, flavonoid và carotenoids, có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ. Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ chống lại các gốc tự do gây tổn hại DNA. Ớt chuông cũng có nhiều acid amin cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm phân hủy thức ăn, sửa chữa mô và phát triển.
Tiêu thụ ớt chuông vừa phải sẽ không gây ra tác dụng phụ nhưng chúng có thể gây dị ứng ở một số người.
Rau muống
Theo Đông y, rau muống vị ngọt nhạt, tính mát, tác dụng giải độc. Thành phần trong rau muống gồm 90% nước, chất xơ, protein, vitamin C, vitamin E, chất béo, khoáng chất như sắt, kẽm, magie.
Ảnh minh họa
Hạn chế ăn rau muống nếu bạn bị gout, viêm nhiễm đường tiết niệu do sỏi thận, huyết áp cao. Người đang có vết thương mềm ngoài da, ăn rau muống dễ để lại sẹo lồi. Người đang điều trị nội khoa, ngoại khoa hoặc bị đau xương khớp, viêm, đau nhức, cũng không nên ăn. Rau muống thường được luộc cùng vài quả sấu hoặc khi luộc xong vắt nửa quả chanh cho nước hơi chua giúp giải nhiệt cho bữa cơm ngày hè.
Theo giadinhonline.vn