1. Làm thế nào để tăng cường hệ miễn dịch?

Hệ thống miễn dịch được ví như tấm lá chắn, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân lạ như vi khuẩn, virus, các chất độc hại, hóa chất… gây bệnh. Do đó, nếu người có hệ miễn dịch kém rất dễ mắc bệnh.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng nâng cao hệ miễn dịch. Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, giúp tăng cường sức đề kháng, đồng thời cũng giúp giảm cân (thừa cân béo phì gây tổn hại đến hệ miễn dịch).

Để giảm cân, nguyên tắc cơ bản đầu tiên là ăn ít calo hơn. Để làm được điều này, chúng ta cần biết cơ thể có thể đốt cháy bao nhiêu calo/ngày, để xác định chế độ ăn uống của mình. Ăn ít calo cũng có nghĩa là chúng ta phải ăn đúng loại thực phẩm, có thể giúp giảm cân.

Trái cây và rau quả có lượng calo thấp. Trái cây chứa rất nhiều nước và chất xơ giúp giữ cho dạ dày của chúng ta luôn no, sẽ giúp giảm cân nhanh hơn.

photo-1676817570703

Một số loại trái cây giúp tăng cường miễn dịch khi chuyển mùa.

2. Một số trái cây giúp giảm cân và tăng cường miễn dịch

2.1 Anh đào

Quả anh đào chứa chất chống oxy hóa. Flavonoid, một loại chất chống oxy hóa trong nước ép anh đào, được thực vật tạo ra để chống nhiễm trùng. Nghiên cứu cho thấy rằng, những hóa chất này có thể tác động đáng kể đến chức năng của hệ thống miễn dịch.

Quả anh đào còn giúp tăng cường năng lượng, cải thiện chất lượng giấc ngủ và thư giãn đầu óc. Hơn nữa, chúng còn giúp kiểm soát và duy trì lượng đường trong máu, giảm axit uric trong máu.

2.2 Dâu tây

photo-1676817574494

Dâu tây có chất chống oxy hóa, polyphenol, vitamin C… giúp tăng cường miễn dịch.

Dâu tây có hàm lượng vitamin C cao, giàu chất chống oxy hóa và rất bổ dưỡng… Tất cả các vi chất dinh dưỡng của dâu tây phối hợp với nhau một cách hiệp đồng, giúp cơ thể ngăn ngừa và chống lại bệnh tật.

Dâu tây đã được chứng minh là có khả năng chống lại nhiều bệnh mãn tính bằng cách giúp giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu), giảm lượng đường trong máu và kháng insulin, hỗ trợ giảm cân.

Dâu tây cũng là một loại thực phẩm có hàm lượng FODMAP thấp, nên rất tốt cho đường ruột của những người mắc IBS (hội chứng ruột kích thích) và các vấn đề tiêu hóa khác (FODMAP là những loại carb chuỗi ngắn có khả năng chống lại quá trình tiêu hóa).

Trong một nghiên cứu về những người trưởng thành khỏe mạnh, ăn dâu tây trong thời gian ngắn và trung hạn đã làm tăng đáng kể chất chống oxy hóa, folate và vitamin C trong cơ thể, cũng như cải thiện đáng kể sức đề kháng của bạch cầu đối với căng thẳng bên ngoài.

2.3 Quả mâm xôi

photo-1676817576410

Quả mâm xôi hỗ trợ hệ miễn dịch và đường tiêu hóa

Quả mâm xôi là một loại trái cây bổ dưỡng và thơm ngon để hỗ trợ sức khỏe tổng thể của cơ thể. Mâm xôi rất giàu chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần như: Chất xơ, vitamin C, vitamin E, mangan và vitamin K...

Các chất dinh dưỡng trong quả mâm xôi hỗ trợ hệ thống miễn dịch và đường tiêu hóa, đồng thời đóng vai trò là chất chống viêm và chống oxy hóa. Quả mâm xôi chứa lượng calo thấp. Chúng cũng có hiệu quả trong việc tăng cường sức khỏe não bộ, tăng tốc độ trao đổi chất và cũng kiểm soát các triệu chứng của đái tháo đường.

2.4 Cam

Cam chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Vitamin C giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào, làm tăng sản xuất collagen và thậm chí làm giảm mức độ hormone gây căng thẳng cortisol, cũng như huyết áp.

Cam là loại trái cây lý tưởng để bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại, hỗ trợ cơ thể hấp thụ sắt, ngừa thiếu máu. Hãy thêm cam vào chế độ ăn uống hằng ngày để giúp ngăn ngừa cảm lạnh.

2.5 Đu đủ

Đu đủ giàu vitamin A, B, C và K và các khoáng chất như kali, canxi, đồng, magiê… Các nhà khoa học cho biết, đu đủ có thể làm giảm stress oxy hóa ở người lớn tuổi và tăng cường khả năng miễn dịch.

Tiêu thụ đu đủ ở dạng thô còn giúp duy trì lượng đường trong máu và kiểm soát lượng cholesterol. Đu đủ chứa chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng giúp tim khỏe mạnh và phòng chống ung thư.

Loại trái cây này cũng rất hiệu quả đối với các vấn đề về tiêu hóa và có thể giúp giảm cân.

Theo suckhoedoisong.vn