Nghệ có nhiều loại, tuy nhiên, thông dụng nhất là củ nghệ vàng. Trong nghệ vàng có chứa các hợp chất hoạt tính sinh học gọi là curcuminoids, trong đó hoạt chất nhiều nhất là curcumin. Curcumin là một polyphenol chịu trách nhiệm tạo ra màu vàng tươi của nghệ.
Curcumin có hoạt tính như một kháng sinh có tác dụng chống viêm rất mạnh. Theo nhiều nghiên cứu, curcumin có thể kiểm soát một số tình trạng viêm, viêm khớp, hội chứng chuyển hóa, kể cả tình trạng lo lắng và tăng lipid máu.
Ngoài chất curcumin, nghệ còn chứa hàm lượng sắt và mangan cao cũng như hàm lượng vừa phải của vitamin B6 và kali. Đây đều là những chất quan trọng đối với hoạt động trao đổi chất của tế bào và giúp tăng cường miễn dịch.
1. Những lợi ích sức khỏe của củ nghệ đã được khoa học chứng minh
Nghệ có đặc tính chống oxy hóa
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, curcumin có đặc tính chống oxy hóa cao, do đó có liên quan đến việc giúp chống lại các gốc tự do trong cơ thể và thậm chí có thể giúp góp phần bảo vệ chống lại các bệnh như xơ vữa động mạch, các bệnh thoái hóa thần kinh và thậm chí một số bệnh ung thư.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ngoài vai trò là một loại gia vị thường được sử dụng trong các món ăn của Việt Nam và một số nước châu Á, nghệ còn giàu chất chống ôxy hóa và còn là thực phẩm có thể hỗ trợ ngăn sự phát triển của các tế bào ung thư.
PGS. Lâm thông tin thêm, tại Ấn Độ, người ta thấy số người mắc ung thư đường tiêu hóa thấp hơn so với Mỹ, có thể do chế độ ăn của họ thường sử dụng món cà ri có nhiều nghệ.
Nghệ giúp giảm đau do viêm khớp
Hoạt tính chống viêm của curcumin có thể giảm nhẹ triệu chứng viêm của bệnh viêm đa khớp dạng thấp ở người. Một đánh giá nghiên cứu năm 2016 cho thấy, bệnh nhân viêm khớp uống curcumin trong 4 tuần có kết quả giảm đau xương khớp có thể so sánh với việc dùng NSAID hoặc glucosamine. Nghiên cứu cho thấy, tác dụng của 1.200mg curcumin tương đương với một loại thuốc kháng viêm 300mg.
Nghệ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường
Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng có thể có một lợi ích của củ nghệ liên quan đến việc ngăn ngừa tiền đái tháo đường và bệnh đái tháo đường type 2. Lợi ích của nghệ trong phòng ngừa bệnh đái tháo đường phần lớn là do khả năng chống lại hội chứng chuyển hóa.
Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, curcumin trong củ nghệ có khả năng cải thiện tình trạng ôxy hóa trên khắp cơ thể và chống viêm. Curcumin còn có tác dụng hạ đường huyết và nhạy cảm với insulin, làm giảm tình trạng kháng insulin và các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Củ nghệ có chứa các hợp chất có thể giúp hỗ trợ giảm cân
Một số nghiên cứu trên động vật đã gợi ý rằng chất curcumin có thể hỗ trợ giảm cân và giảm mỡ bụng.
Một nghiên cứu năm 2015 về những người thừa cân gặp khó khăn trong việc giảm cân trong chương trình thay đổi lối sống và ăn kiêng trong 30 ngày cho thấy rằng việc bổ sung 800 mg curcumin trong 30 ngày giúp giảm đáng kể cân nặng, lượng mỡ trong cơ thể cũng như vòng hông và vòng eo.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết: Các tác dụng chính của nghệ đã được chứng minh hiện nay chủ yếu là chống ôxy hóa, làm lành vết thương, chống viêm, tăng cường sức khỏe tim mạch, bảo vệ gan. Tác dụng giảm cân của nghệ vẫn chưa rõ ràng và cần thêm nghiên cứu chứng minh.
Curcumin có trong nghệ giúp cải thiện chức năng nhận thức
Chất curcumin có thể ngăn chặn một số kích thích viêm và ức chế viêm. Một số nghiên cứu cho thấy, chất curcumin polyphenol được tìm thấy trong nghệ có thể giải thích một phần lý do tại sao ngày càng ít người ở Ấn Độ được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, nơi loại gia vị này thường xuyên được sử dụng trong nấu ăn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người lớn tuổi thường xuyên ăn cà ri (thường chứa nghệ) đã cải thiện chức năng nhận thức hơn những người hiếm khi ăn cà ri.
2. Cách đơn giản để kết hợp nghệ vào chế độ ăn của bạn
Bạn có thể dễ dàng thêm nghệ vào nhiều món ăn hàng ngày.
Bạn có thể không thích ăn nghệ tươi nhưng hãy thử một số công thức dưới đây để thu được nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời. Cho dù bạn sử dụng bột nghệ hay nghệ tươi để nấu ăn, curcumin vẫn mang lại một số lợi ích và chắc chắn là một cách lành mạnh để thêm màu sắc và hương vị cho món ăn của bạn mà không cần sử dụng muối. Hãy thử những ý tưởng này để kết hợp nghệ vào bữa ăn hàng ngày của bạn.
- Sốt cà ri: Có lẽ cách phổ biến nhất để sử dụng nghệ là làm nước sốt cà ri. Có nhiều công thức với nghệ như một thành phần chính trong loại nước sốt đậm đà này.
- Súp: Tăng hương vị cho món súp gà đơn giản bằng cách thêm một ít bột nghệ hoặc nước cốt nghệ nghiền vào phần nền cho món súp của bạn (bao gồm hỗn hợp các loại rau xắt nhỏ xào như hành tây, cần tây và cà rốt).
- Sinh tố: Một chút bột nghệ kết hợp tốt với nước dừa, mật ong và nhiều loại trái cây như dứa, quả việt quất và xoài.
- Bột yến mạch: Thêm một nhúm bột nghệ, cùng với chà là xắt nhỏ, để tạo hương vị thơm ngon cho bát bột yến mạch buổi sáng của bạn.
- Sữa nghệ: Thức uống nhẹ nhàng này được làm bằng sữa ấm và mật ong, chỉ cần thêm một chút bột nghệ khô để tạo màu vàng và tăng cường sức khỏe.
- Nước xốt salad: Thường được trộn với sữa chua để cân bằng hương vị và làm mềm, bột nghệ tạo ra màu sắc đẹp mắt cho nước xốt.
- Bánh nướng xốp: Có rất nhiều công thức làm bánh nướng xốp với sự kết hợp tuyệt vời như nghệ, cà rốt, dừa nạo và hạt chia.
- Ngũ cốc: Rắc một chút bột nghệ khi nấu các loại ngũ cốc như hạt quinoa hoặc gạo, thêm một ít hạt điều và nho khô để có món ăn lấy cảm hứng từ Ấn Độ.
- Rau nướng: Trước khi cho những miếng bông cải xanh, cà rốt hoặc khoai tây vào lò nướng, hãy rưới một ít dầu ô liu và rắc bột nghệ lên trên.
Theo suckhoedoisong.vn