Theo y học cổ truyền, bệnh viêm khớp dạng thấp không có bệnh danh cụ thể nmà thuộc phạm vi chứng Tý, kinh mạch bị ngoại tà xâm phạm vào lạc mạch làm bế tắc dẫn đến khí huyết vận hành không thông với dấu hiệu bì phu (da), cân cốt (gân xương), cơ nhục, khớp tê bì đau tức ê ẩm, sưng, co duỗi khó khăn.
Nguyên nhân gây chứng Tý bao gồm ngoại nhân, nội thương và bất nội ngoại nhân. Bệnh có thể được điều trị bằng các bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương… nhưng cần căn cứ vào tình trạng bệnh lý cụ thể của từng người bệnh mà gia giảm cho phù hợp.
Điều trị viêm khớp dạng thấp không dùng thuốc như vận động trị liệu là một phần quan trọng trong duy trì khả năng vận động của khớp. Tuy nhiên, người bệnh nên thực hiện theo hướng dẫn để việc tập luyện an toàn và đạt kết quả mong muốn.
1. Bắt đầu với cường độ thấp, từ từ
Khi bắt đầu hoặc tăng cường hoạt động thể chất, người bệnh viêm khớp dạng thấp nên bắt đầu ở mức thấp và chú ý đến ngưỡng chịu đựng của cơ thể. Những người bị viêm khớp dạng thấp có thể mất nhiều thời gian hơn để cơ thể họ thích nghi với mức độ hoạt động mới.
Đối với người không hoạt động, hãy bắt đầu với một lượng hoạt động nhỏ, chẳng hạn như 3 đến 5 phút, 2 lần một ngày. Thêm hoạt động mỗi lần một ít (chẳng hạn như 10 phút mỗi lần) và cho phép đủ thời gian để cơ thể thích nghi với mức độ mới trước khi thêm hoạt động khác.
Người bệnh viêm khớp dạng thấp nên bắt đầu tập luyện với cường độ thấp.
2. Điều chỉnh hoạt động khi các triệu chứng viêm khớp tăng lên
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp như đau, cứng khớp và mệt mỏi, có thể xuất hiện và giảm dần. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào của bệnh, bạn nên cố gắng tự điều chỉnh hoạt động, tư thế để duy trì tập luyện.
Bạn có thể sửa đổi chương trình hoạt động thể chất bằng cách tập thể dục ít thường xuyên hơn (ít ngày hơn mỗi tuần) hoặc trong thời gian ngắn hơn (mỗi buổi ít thời gian hơn) hoặc với cường độ thấp hơn trong đợt đau tiến triển.
3. Thực hiện các hoạt động thân thiện với khớp
Với người bệnh viêm khớp dạng thấp nên lựa chọn các hoạt động dễ dàng cho khớp và có nguy cơ chấn thương thấp như đi bộ, đi xe đạp, thể dục nhịp điệu dưới nước hoặc khiêu vũ, yoga, thái cực quyền, dưỡng sinh...
Thể dục nhịp điệu dưới nước là bộ môn vận động nhẹ nhàng, phù hợp với người bệnh viêm khớp dạng thấp.
4. Lựa chọn vị trí tập luyện an toàn cho người bệnh viêm khớp dạng thấp
An toàn là điều quan trọng để bắt đầu và duy trì một kế hoạch hoạt động với người bệnh viêm khớp dạng thấp. Nếu người bệnh hiện đang không hoạt động hoặc không chắc chắn làm thế nào để bắt đầu chương trình hoạt động thể chất của riêng mình, bạn có thể tham gia một lớp tập thể dục có giáo viên hướng dẫn, tập luyện theo khả năng và phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Nếu người bệnh có kế hoạch tập luyện riêng lẻ thì nên lựa chọn nơi an toàn để hoạt động như đi bộ trong khu vực có vỉa hè hoặc lối đi bằng phẳng, không có chướng ngại vật, đủ ánh sáng, có ghế dài để nghỉ ngơi nếu cần và tách biệt khỏi dòng xe cộ đông đúc.
Với người mới bắt đầu tập luyện nên có giáo viên hướng dẫn để tránh những tác động xấu đến khớp.
5. Lưu ý thời gian vận động cơ thể phù hợp
Với người khỏe mạnh, trưởng thành nên hoạt động thể chất vừa phải trong 150 phút mỗi tuần, như đi bộ, bơi lội hoặc đi xe đạp 30 phút mỗi ngày trong năm ngày một tuần. Bạn có thể chia 30 phút này thành ba phiên 10 phút riêng biệt trong ngày. Hoạt động thể chất thường xuyên cũng làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính khác như bệnh tim, đái tháo đường và trầm cảm...
Người bệnh viêm khớp dạng thấp nên tham khảo ý kiến chuyên gia để có những bài tập phù hợp, về mức độ và loại hoạt động nào phù hợp với khả năng và mục tiêu sức khỏe của bạn.
Theo suckhoedoisong.vn