1. Cúm A có gây biến chứng nặng nề?
Cúm A là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, do nhiễm virus Influenza type A. Bệnh thường xuất hiện trong các đợt cúm mùa và gây ra đại dịch vì virus cúm A thường xuyên thay đổi và phân nhóm tạo thành chủng mới từ cúm mùa này sang cúm mùa khác.
Các chủng virus cúm A phổ biến là A/H5N1, A/H1N1, A/H3N2, A/H7N9, trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây sang người và tạo thành dịch.
Bệnh gây tổn thương đường hô hấp trên và dưới với các dấu hiệu thường xuất hiện đột ngột và dễ nhận biết như ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể.
Phần lớn người bệnh phục hồi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể diễn tiến nặng, nhiều biến chứng, chủ yếu tại phổi, thậm chí gây tử vong, đặc biệt trên những người có hệ miễn dịch yếu như người lớn tuổi, người mắc các bệnh mạn tính, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, trẻ em, phụ nữ có thai...
2. Cúm A theo quan điểm y học cổ truyền
Dựa vào biểu hiện bệnh, cúm A được y học cổ truyền xếp vào nhóm bệnh ngoại cảm ôn bệnh: Có sốt (chứng phát nhiệt), thiên về nhiệt chứng, diễn tiến có quy luật.
Bệnh thường do chính khí suy, vệ khí kém, phong hàn, phong nhiệt tà thừa cơ xâm phạm, làm hao âm tổn khí, gây rối loạn công năng các tạng phủ. Điều trị bằng y học cổ truyền chủ yếu nhằm mục đích thanh nhiệt kết hợp bồi bổ chính khí.
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các vị thuốc y học cổ truyền có tác dụng kháng virus, làm tăng sức đề kháng, hiệu quả trong điều trị cúm.
3. Một số món ăn từ dược liệu hỗ trợ trị cúm A
Những món ăn sau đây được chế biến từ những dược liệu có tác dụng tăng đề kháng, hỗ trợ điều trị cúm A.
3.1 Canh dâu tằm
Nguyên liệu chính: Lá dâu tằm, thịt bò, thịt heo hoặc tôm.
Cách chế biến: Lá để nấu canh phải là những đọt non, không bị sâu phá. Khi hái về, lá được vò sơ qua để khi chín sẽ mềm, bùi hơn và tăng thêm hương vị, sau đó mang rửa sạch rồi thái vừa ăn. Sau đó đem nấu với thịt bò, thịt heo hoặc tôm, nêm thêm một ít dầu ăn, hạt nêm để có một bát canh dâu tằm ngọt mát.
Công dụng: Lá dâu tằm có tác dụng giải cảm nhiệt, trị sốt cao, miệng khát, đau đầu, ho khan.
3.2 Cháo sắn dây gạo tẻ
Nguyên liệu chính: Bột sắn dây 30g và gạo tẻ 50g.
Cách chế biến: Gạo ngâm nước 1 đêm, đem nấu cháo cùng với bột sắn, thêm chút muối hay đường để ăn.
Công dụng: Bột sắn dây có tác dụng giải nhiệt, hạ sốt, đau đầu, miệng khát nấu cùng với gạo giúp tăng cường sức đề kháng, cải thiện triệu chứng.
3.3 Cháo thịt lợn lá cúc tần
Nguyên liệu chính: Lá cúc tần (loại già), gạo, thịt heo nạc băm nhuyễn, gừng tươi.
Cách chế biến: Lá cúc tần rửa sạch, băm nhỏ. Tất cả cho vào nồi nấu thành cháo để nhỏ lửa cho cháo nhừ rồi nêm gia vị là bạn có thể dùng ngay (nên dùng khi cháo còn nóng).
Công dụng: Lá cúc tần với thành phần chủ yếu là tinh dầu, có tác dụng phát tán phong nhiệt, trị cảm sốt, làm ra mồ hôi. Cháo dễ ăn và dễ tiêu hóa, cung cấp dinh dưỡng rất tốt. Món ăn rất phù hợp cho người bệnh giai đoạn hồi phục, cơ thể mệt mỏi, biếng ăn.
Lá cúc tần nấu cháo thịt lợn tốt cho người mệt mỏi, biếng ăn.
3.4 Hoàng kỳ kê nhục thang
Nguyên liệu bao gồm: Hoàng kỳ 30g, nấm hương 150g (có thể dùng nấm khác), thịt gà nạc 250g, gừng tươi 15g, hành 20g.
Cách chế biến: Nấm ngâm mềm, rửa sạch, để ráo. Đặt nồi lên bếp, cho dầu sôi lên, sau đó cho thịt gà, gừng, hành vào xào chín. Cho tiếp muối, chút rượu, nấm và lượng nước thích hợp đun trong khoảng 30 phút đến 1 giờ. Cho thịt gà và nấm hương ra đĩa, rắc bột tiêu, thêm cải bẹ hoặc bông cải vào nước canh, đun sôi tiếp cho chín.
Công dụng: Hoàng kỳ là vị thuốc bổ được sử dụng với mục đích ích khí cố biểu, gừng và hành với thành phần chủ yếu là tinh dầu làm ra mồ hôi, trị các bệnh ngoại cảm. Món ăn có tác dụng kháng khuẩn, giúp tăng cường miễn dịch, rất thích hợp cho người lớn tuổi, sức đề kháng kém.
Hoàng kỳ nấu với thịt gà cùng một số thảo dược thích hợp cho người lớn tuổi, sức đề kháng kém mắc cúm A.
3.5 Chân giò hầm hạt sen, hoài sơn
Nguyên liệu chính: Chân giò 600g, hạt sen khô 100g, hoài sơn (củ mài) 20g, trần bì (vỏ quýt khô) 6g, táo đỏ 20g, gừng tươi 10g.
Cách chế biến: Chân giò cạo rửa sạch, chặt thành miếng, ướp muối. Hạt sen khô ngâm nước khoảng 1 giờ, đem luộc sơ với nước sôi, vớt ra rổ, để ráo. Trần bì ngâm nước cho mềm, cạo bỏ phần trắng ở trong, cắt sợi nhỏ. Gừng tươi giã nát. Hoài sơn và táo đỏ rửa sạch, để ráo. Cho tất cả vào nồi, đổ nước ngập, đun lửa to cho sôi mạnh, vớt sạch bọt rồi để lửa nhỏ, cho thêm ít muối, hầm đến khi chân giò và hạt sen chín mềm. Múc ra bát dùng nóng.
Công dụng: Hoài sơn, hạt sen, táo đỏ có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức đề kháng của cơ thể, thích hợp với người bệnh cơ thể suy nhược, ăn ngủ kém.
Theo suckhoedoisong.vn