Chế biến thực phẩm an toàn đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe cả gia đình - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Ô nhiễm trong thực phẩm có thể đến từ môi trường hoặc do thành phần bên trong tự sản sinh ra.
Thực phẩm không an toàn có thể gây ra hơn 200 loại bệnh. Vấn đề an toàn thực phẩm đang nhận được nhiều sự quan tâm hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày càng nhiều người lựa chọn tự nấu ăn tại nhà.
Trong một nỗ lực nhằm hạn chế tác động tiêu cực của thực phẩm ô nhiễm, WHO chia sẻ 5 nguyên tắc đơn giản, dễ thực hiện, giúp mọi người giữ thực phẩm an toàn khi chế biến tại nhà.
1. Giữ vệ sinh
Điều quan trọng trước khi vào bếp là phải rửa tay với xà phòng và nước. Ngoài ra, mọi người cần đảm bảo vệ sinh xuyên suốt trong quá trình chế biến. Đặc biệt chú ý làm sạch các bề mặt tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm như dao, thớt…
2. Phân biệt sống và chín
Cần tách riêng thực phẩm sống với thực phẩm đã nấu chín để tránh nguy cơ mầm bệnh lây nhiễm chéo, từ đó dẫn tới ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, mọi người cần chú ý dùng riêng các dụng cụ như dao, thớt khi chế biến thực phẩm sống.
3. Đun nấu kỹ
Cần nấu chín kỹ các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng và hải sản. Thức ăn còn thừa cần phải hâm lại trước khi dùng. Việc đun nấu kỹ và đúng cách sẽ giúp tiêu diệt nhiều mầm bệnh và tăng cường giá trị dinh dưỡng cho thực phẩm.
4. Bảo quản ở nhiệt độ thích hợp
WHO khuyến cáo đối với những thực phẩm đã nấu chín thì nên ăn ngay, không để chúng ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Ngoài ra, tủ lạnh (môi trường dưới 5 độ C) có thể là lựa chọn tốt để bảo quản thực phẩm lâu hơn. Tuy nhiên, mọi loại thực phẩm đều có thời gian bảo quản khác nhau. Mọi người cần tìm hiểu để tránh ăn phải thực phẩm bị hỏng.
5. Sử dụng nước và nguyên liệu sạch
Không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng và ưu tiên thực phẩm tươi, nguyên dạng. Chỉ dùng nguồn nước sạch hoặc nước đã qua xử lý để nấu ăn. Trước khi chế biến, thực phẩm cần được sơ chế trước với nguồn nước sạch để loại bỏ phần lớn bùn đất và vi khuẩn.
Thực phẩm an toàn hôm nay vì ngày mai khỏe mạnh Đây là chủ đề được WHO chọn làm thông điệp chính cho Ngày an toàn thực phẩm thế giới năm nay, nhằm nhấn mạnh thực phẩm an toàn không chỉ có vai trò quan trọng đối với sức khỏe hiện tại mà còn ảnh hưởng lâu dài đến tình trạng thể chất ở tương lai. Ngày An toàn thực phẩm thế giới là chương trình thường niên được Liên Hiệp Quốc (mà WHO là cơ quan trực thuộc) tổ chức lần đầu vào ngày 7.6.2019, qua đó kêu gọi các quốc gia chú ý nhiều hơn đến những nguy cơ từ thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và cộng đồng. |
Theo thanhnien