Các bác sĩ khuyên nên thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu, hiểu rõ các yếu tố kích hoạt chế độ ăn uống và thay đổi lối sống để kiểm soát lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, nếu đã ăn uống đúng cách, tập thể dục và uống thuốc trị tiểu đường đúng cách, mà mức đường huyết vẫn cao bất thường, chắc chắn bạn đã mắc phải một số sai lầm ở đâu đó, theo tờ Times Now News.
Hãy cùng tìm hiểu xem đó là những gì.
Bỏ bữa sáng
Bữa ăn sáng được xem là một trong những bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Theo các chuyên gia sức khỏe, bữa sáng là bắt buộc đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Diabetes Care, nhịn ăn cho đến buổi trưa gây tăng đường huyết và suy giảm phản ứng insulin sau bữa trưa và bữa tối ở người mắc bệnh tiểu đường loại 2, theo Times Now News.
Các nhà nghiên cứu cho biết bỏ bữa sáng có thể ức chế chức năng sản xuất insulin của các tế bào beta của tuyến tụy.
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý lượng đường trong máu cao thường do những gì bạn ăn vào bữa sáng. Món ăn sáng thân thiện với người bệnh tiểu đường nên là ít tinh bột (carb) như trứng với rau bó xôi, nấm, cà chua, sinh tố và yến mạch.
Không hoạt động thể chất
Các hoạt động thể chất rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2. Ngoài việc giúp duy trì cân nặng, nó còn làm giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim.
Các bác sĩ cho biết hoạt động thể chất làm tăng độ nhạy insulin của cơ thể và giúp các tế bào loại bỏ đường khỏi máu và sử dụng nó làm năng lượng.
Ngủ không đủ
Theo các chuyên gia, giấc ngủ và việc kiểm soát bệnh tiểu đường có liên quan chặt chẽ. Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, thiếu ngủ có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột ngột.
Các bác sĩ khuyên người bệnh tiểu đường nên ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm. Các nghiên cứu cho biết tình trạng thiếu ngủ sẽ kích hoạt giải phóng hoóc môn căng thẳng cortisol và làm giảm lượng insulin được giải phóng khi dùng bữa tối.
Chăm sóc răng miệng kém
Sức khỏe răng miệng kém và bệnh nướu răng làm trầm trọng thêm các biến chứng của bệnh tiểu đường. Theo Hiệp hội Nha khoa Mỹ, các chuyên gia cho biết nướu răng không khỏe mạnh làm tăng lượng đường trong máu, theo Times Now News.
Các bác sĩ khuyên những người mắc bệnh tiểu đường nên chăm sóc nướu nhiều hơn bằng cách đánh răng thường xuyên, sử dụng chỉ nha khoa và đi nha sĩ để kiểm tra.
Sử dụng chất làm ngọt nhân tạo
Nhiều người bệnh tiểu đường loại 2 thường sử dụng chất làm ngọt nhân tạo vì cho rằng nó an toàn. Nhưng theo các nghiên cứu, ngay cả tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo không chứa calo như nước ngọt ăn kiêng và chất làm ngọt để thêm vào trà và cà phê cũng làm tăng lượng đường trong máu về lâu dài.
Các chuyên gia cho biết, một khi được tiêu thụ, chất tạo ngọt nhân tạo sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin và và ảnh hưởng đến khả năng ổn định mức đường huyết của cơ thể, theo Times Now News.
Theo Thanh niên