Nghiên cứu được công bố trên JAMA Network Open phát hiện ra rằng, tổn thương gan do thuốc, liên quan đến các sản phẩm như chiết xuất trà xanh, nghệ hoặc curcumin, ashwagandha, gạo men đỏ… cảnh báo những nguy cơ khi sử dụng bừa bãi các loại thực phẩm bổ sung thảo dược này.
Các loại thảo dược trên nếu dùng đúng và thích hợp sẽ tốt cho sức khỏe, nhưng nhiều người có xu hướng sử dụng quá mức, lạm dụng… một số người không thích hợp để dùng, đã làm tăng nguy cơ tổn thương các cơ quan nội tạng.
Dưới đây là 5 loại thảo dược có thể gây tổn thương gan cần lưu ý:
1. Thực phẩm bổ sung nghệ có thể gây tổn thương gan
Nghệ là một loại thảo dược phổ biến có nguồn gốc từ rễ cây Curcuma longa, được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực, nấu ăn… Nghệ với thành phần chính là curcumin, có thể mang lại nhiều lợi ích như giảm viêm, chống oxy hóa, tốt cho sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ ung thư; cũng là một phần của nhiều công thức chữa bệnh Ayurvedic truyền thống.
Tuy nhiên, dùng nghệ với số lượng lớn có liên quan đến tổn thương gan và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Các trường hợp tổn thương gan cấp tính, suy gan và tổn thương gan đã được báo cáo khi tiêu thụ quá nhiều nghệ.
Mặc dù sử dụng nghệ trong khi nấu ăn với lượng nhỏ là hoàn toàn lành mạnh, nhưng việc dùng thuốc bổ sung hoặc dạng tiêm phải được khuyến nghị nghiêm ngặt bởi chuyên gia y tế.
2. Sản phẩm bổ sung ashwagandha
|
|
Tổn thương gan cũng có thể là do tạp chất trong ashwagandha gây ra. |
Ashwagandha có nguồn gốc từ chiết xuất rễ Withania somnifera, cũng được gọi là 'nhân sâm Ấn Độ', được biết đến với tác dụng tăng cường sức khỏe não bộ và giảm viêm.
Loại thảo dược này được sử dụng để điều trị căng thẳng, mệt mỏi, giảm đau, bệnh ngoài da, tiểu đường, viêm khớp và động kinh. Là một loại thuốc bổ năng lượng, ashwagandha cũng giúp giảm mệt mỏi và chống lại tác động của lão hóa.
Theo Livertox (trang thông tin lâm sàng và nghiên cứu về tổn thương gan do thuốc) đã ghi nhận các trường hợp tổn thương gan ở những người dùng các sản phẩm thảo dược thương mại được dán nhãn có chứa ashwagandha.
Tổn thương gan cũng có thể là do tạp chất trong ashwagandha, nồng độ chiết xuất cao hơn hoặc dùng quá liều khuyến cáo...
3. Chiết xuất trà xanh
Trà xanh được biết đến với rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như chống lão hóa, bảo vệ chống lại ung thư, bệnh tim, béo phì và tiểu đường loại 2... Tuy nhiên, tổn thương gan liên quan đến chiết xuất trà xanh đã được báo cáo trong nhiều trường hợp, cảnh báo những người yêu thích trà xanh nên thận trọng khi tiêu thụ nó với số lượng lớn.
Chiết xuất trà xanh được tìm thấy trong một số loại thực phẩm bổ sung. Chiết xuất trà xanh hoặc uống một lượng lớn trà xanh trong một số trường hợp có thể dẫn đến suy gan cấp tính.
Viện Quốc gia Hoa Kỳ về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Thận (NIDDK) cảnh báo rằng, chiết xuất trà xanh có liên quan đến tổn thương gan nghiêm trọng, thậm chí đến mức phải ghép gan hoặc dẫn đến tử vong.
|
|
Thảo dược Black cohosh được sử dụng phổ biến để điều trị các triệu chứng mãn kinh, nhưng lại có liên quan đến các tổn thương gan. |
4. Black cohosh
Black cohosh (tên khoa học là Actaea racemosa hoặc Cimicifuga racemosa) thuộc họ Mao lương, được sử dụng trong các trường hợp như đau cơ xương, sốt, ho, viêm phổi, kinh nguyệt không đều…
Đây cũng là một loại thảo dược phổ biến được sử dụng để điều trị các triệu chứng mãn kinh, nhưng lại có liên quan đến các tổn thương gan như vàng da, viêm gan và viêm gan tự miễn. Các tác dụng phụ có thể xuất hiện trong vòng 2 đến 12 tuần sử dụng, trong khi ở một số người, tác dụng phụ này được báo cáo là 48 tuần sau khi sử dụng.
Dược điển Hoa Kỳ khuyên những người mắc chứng rối loạn gan nên tránh dùng black cohosh và khuyến cáo bất kỳ ai gặp các dấu hiệu về bệnh gan nên ngừng sử dụng và tìm kiếm lời khuyên y tế. Các tài liệu đã công bố cho thấy rằng, liều lượng lớn black cohosh có thể liên quan đến kích ứng đường tiêu hóa, đau đầu, chóng mặt và nôn mửa.
5. Gạo men đỏ
Gạo men đỏ là sản phẩm gạo lên men với một loại nấm men có tên là Monascus purpureus, có chứa monacolin K, cùng một thành phần hoạt tính có trong thuốc theo toa lovastatin, được biết là gây tổn thương gan.
Tuy nhiên, nồng độ monacolin K trong gạo men đỏ không được kiểm soát, thay đổi đáng kể từ 0,09 đến 10,94 mg mỗi liều dùng hàng ngày, khiến tác dụng của loại gạo này không thể đoán trước.
Thực phẩm bổ sung này có liên quan đến các phản ứng có hại nghiêm trọng, như tổn thương gan cấp tính và quá trình phục hồi có thể mất nhiều tháng sau khi ngừng sử dụng. Do những rủi ro này, những người mắc bệnh gan hoặc những người có nguy cơ mắc các vấn đề về gan nên tránh dùng gạo men đỏ.
Theo suckhoedoisong.vn