Những ngày gần đây, khoa Nhi và Sơ sinh, Bệnh viện Thanh Nhàn mỗi ngày tiếp nhận thăm khám cho khoảng 30 bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp. Số bệnh nhi phải nhập viện điều trị nội trú cũng tăng gấp hai lần bình thường.
Số trẻ nhập viện tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng tăng đột biến. Nhiều trẻ vừa ra viện đã tái lại vì các bệnh lý liên quan tới đường hô hấp, trong đó nhiều trẻ dương tính với virus Adeno.
Tại Trung tâm nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhi đến viện những tháng gần đây cao hơn 20-30% so với cùng kỳ. Trẻ nhập viện chủ yếu do sốt virus, nhiễm khuẩn đường hô hấp...
Tại 3 bệnh viện: Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 trên địa bàn TP.HCM mỗi ngày tiếp nhận hàng ngàn ca thăm khám. Trẻ nhập viện chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi, các trẻ thường mắc các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản... Đối tượng dễ diễn tiến nặng khi mắc các bệnh hô hấp là các trẻ có bệnh nền như gan, thận, suy giảm miễn dịch, thừa cân, suy dinh dưỡng, trẻ nhũ nhi…
1. Đảm bảo đủ chất dinh dưỡng khi trẻ bị viêm đường hô hấp
BS. Phan Bích Nga (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng tránh bệnh tật nói chung và bệnh đường hô hấp nói riêng. Ăn đủ dinh dưỡng sẽ giúp tăng sức đề kháng đảm bảo năng lượng để cơ thể chống được cái lạnh của môi trường. Với người bệnh viêm đường hô hấp, cần tuân theo những nguyên tắc của chế độ ăn như: ăn đủ tinh bột, đạm động vật, chất béo, dầu, mỡ...
1.1 Ăn đủ chất
Dù là trẻ khỏe mạnh bình thường hay khi bị ốm, bữa ăn của trẻ vẫn phải đảm bảo dinh dưỡng gồm 4 nhóm thực phẩm đó là tinh bột (ngũ cốc, gạo), đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu…), chất béo, vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả…).
1.2 Thức ăn lỏng, dễ tiêu
Khi bị viêm đường hô hấp, trẻ thường bị ho sốt, mệt mỏi, chán ăn lúc này nên ưu tiên chế biến các món ăn dễ tiêu hóa như canh, cháo, súp… Đây là những món dễ ăn nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho hoạt động của cơ thể.
1.3 Chia nhỏ bữa ăn
Khi bị viêm đường hô hấp, ho sốt khiến bé khó chịu, chưa kể nếu họng có đờm hay sổ mũi thì trẻ dễ bị nôn trớ. Do đó bố mẹ không nên bắt bé ăn quá nhiều trong một bữa. Thay vào đó nên giảm khẩu phần ăn mỗi lần nhưng tăng số bữa ăn lên trong ngày. Có thể cứ cách mỗi 2 giờ lại cho bé uống thêm sữa, nước trái cây, sữa chua. Với trẻ còn bú hãy để bé bú theo nhu cầu, chia cữ bú thành nhiều lần.
1.5 Uống nhiều nước
BSSKI. Hà Duy Cường (Khoa Tai mũi họng - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn) cho biết, trẻ bị sốt sẽ làm cơ thể mất nước, khi bị viêm họng cũng cần uống nhiều nước để làm dịu khu vực đang bị viêm. Uống nước nhiều hơn làm loãng đờm, giảm ho khá hiệu quả. Ngoài nước lọc, có thể cho trẻ uống thêm nước ép trái cây, nước canh hầm vừa cung cấp dinh dưỡng vừa bổ sung chất lỏng cho cơ thể.
2. 5 nhóm thực phẩm tốt cho người bệnh viêm đường hô hấp
Một chế độ ăn uống cân bằng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Dưới đây là năm nhóm thực phẩm cần có trong chế độ ăn uống lúc giao mùa giúp phòng bệnh hiệu quả.
2.1 Chất đạm rất cần thiết cho người bị viêm đường hô hấp
Cung cấp đầy đủ chất đạm cho cơ thể rất cần thiết cho quá trình điều trị các bệnh lý viêm đường hô hấp, để tái xây dựng những mô bị tổn thương, tổng hợp những chất tăng cường hệ miễn dịch... Nhu cầu đạm trong điều trị các bệnh viêm đường hô hấp là khoảng 1,2-1,3 kcal/kg.
Sữa là thực phẩm tốt cho người bệnh viêm đường hô hấp.
Kết hợp đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa (khoảng 150-200g/ngày), và đạm thực vật như các loại đậu (đậu xanh, đậu trắng, đậu Hà Lan, đậu cô ve, đậu nành), các loại hạt (đậu phộng, óc chó, hạnh nhân, macca...).
Với những người bệnh có cảm giác chán ăn, no lâu có thể ưu tiên ăn thức ăn trước (thịt, cá, trứng, đậu...), ăn những thực phẩm khác sau. Có thể bổ sung thêm những thực phẩm giàu đạm khác vào khẩu phần ăn nếu ăn không đủ nhu cầu như sữa tươi tách béo, lòng trắng trứng, sữa chua…
2.2 Rau xanh và trái cây
Chất chống ôxy hóa có trong trái cây và rau quả đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vì chúng giúp chống lại các gốc tự do. Chúng cải thiện khả năng miễn dịch và giảm tác động của các chất ô nhiễm bên ngoài đến các cơ quan của cơ thể chúng ta. Bao gồm nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc như ớt chuông đỏ và vàng, cà chua, củ dền, cà rốt, đu đủ và lựu cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất và tăng khả năng miễn dịch tổng thể.
Các nguồn giàu vitamin C như kiwi, cam, chanh ngọt, rau lá xanh, bông cải xanh... rất hữu ích trong việc tăng cường hệ hô hấp. Chúng cũng rất giàu magiê giúp làm sạch đường hô hấp. Hành tây có tác dụng chống viêm và có lợi trong việc điều trị nhiễm trùng đường hô hấp.
2.3 Thảo mộc và gia vị
Gia vị và thảo mộc như tỏi, gừng, nghệ… chứa các hợp chất chống vi khuẩn và chống viêm giúp tăng cường khả năng miễn dịch và chống nhiễm trùng. Gừng giúp giải độc phổi, trong khi nghệ có đặc tính chống vi khuẩn. Nhiều loại lá tươi như húng quế, bạc hà và rau mùi cũng có thể được sử dụng để giải độc và có tác dụng làm dịu cơ thể.
Các loại thảo mộc và gia vị có thể được tiêu thụ và cung cấp cho cơ thể dưới dạng pha chế hoặc trà thảo mộc.
2.4 Quả hạch, hạt và dầu
Quả hạch và hạt có mật độ dinh dưỡng cao, giàu khoáng chất và axit béo omega 3/6. Đây là những thực phẩm chứa vitamin E, rất quan trọng để phục hồi các tế bào bị tổn thương do nhiễm trùng. Bổ sung dầu cá, bột hạt lanh và hạt chia cũng có lợi cho sức khỏe.
Ăn 5-6 loại hạt mỗi ngày như đồ ăn nhẹ và nghiền các loại hạt như hạt dưa hấu, hạt bí ngô hoặc hạt hướng dương để tăng cường miễn dịch.
2.5 Probiotics
Đường ruột khỏe mạnh thúc đẩy sức khỏe tổng thể. Các vi khuẩn lành mạnh trong chế phẩm sinh học, chẳng hạn như sữa đông và sữa bơ, giúp giảm viêm và tăng cường hệ thống miễn dịch. Miễn là được tiêu thụ tươi, ở nhiệt độ phòng và trong ngày, sữa đông là một thực phẩm lành mạnh hướng tới một hệ hô hấp khỏe mạnh.
Theo suckhoedoisong.vn