HIV nguy hiểm vì nó ngăn cản cơ thể chống lại các vi sinh vật gây bệnh bằng cách làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Do đó, người nhiễm HIV/AIDS là đối tượng cần được quan tâm chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, do kỳ thị phân biệt đối xử, nên nhiều người có "H" ngại đi khám sức khoẻ, đặc biệt là sức khỏe răng miệng.

5 vấn đề sức khoẻ răng miệng thường gặp ở người nhiễm HIV- Ảnh 1.
Người nhiễm HIV thường mắc các bệnh răng miệng do hệ thống miễn dịch bị suy yếu.

1. Các bệnh răng miệng người nhiễm HIV thường mắc

Khi không được kiểm soát bằng thuốc kháng virus (ART), HIV/AIDS có thể gây ra một số bệnh nhiễm trùng trên toàn cơ thể, bao gồm cả các vấn đề về răng miệng. Khảo sát cho thấy, hơn một phần ba số người nhiễm HIV đã gặp phải ít nhất một vấn đề về sức khỏe răng miệng. 

Các vấn đề về sức khỏe răng miệng thường gặp ở người nhiễm HIV bao gồm:

- Khô miệng: HIV không được điều trị cũng có thể gây khô miệng. Nếu không được điều trị, khô miệng có thể dẫn đến sâu răng và nhiễm nấm, cũng như lở loét miệng và môi nứt nẻ khó chịu.

- Loét miệng: Các tổn thương ở miệng, nướu, lưỡi và cổ họng được gọi là loét áp tơ hoặc loét miệng có thể gây đau đớn hơn, đặc biệt là khi ăn uống. Chức năng miễn dịch suy giảm có thể gây loét, nhưng nhiều yếu tố khác cũng có thể  là nguyên nhân. Nếu bị lở miệng, cần loại trừ các nguyên nhân khác, bao gồm: Tiêu thụ thực phẩm cay hoặc nóng, vết loét do vết thương ở miệng, như cắn vào môi, nhiễm trùng như HPV, herpes, chlamydia, lậu và giang mai... 

Loét miệng có thể được điều trị tại chỗ để giảm triệu chứng hoặc bằng thuốc uống với sự trợ giúp của bác sĩ.

- Ung thư miệng: Mặc dù hiện nay ít phổ biến hơn do việc sử dụng rộng rãi thuốc điều trị ARV để kiểm soát nhiễm HIV, nhưng ung thư Sarcoma Kaposi vẫn là nguy cơ với người HIV/AIDS. Sarcoma Kaposi bắt nguồn từ một loại virus có tên là herpesvirus 8 ở người (HHV-8), loại virus này chủ yếu lây nhiễm cho những người có hệ miễn dịch yếu, như những người nhiễm HIV không được kiểm soát.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh bao gồm các u, cục trong miệng. Các triệu chứng tiến triển nhanh chóng và ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan, vì vậy xác định bệnh càng sớm thì càng tốt. Cách tốt nhất để ngăn ngừa loại ung thư miệng này là bắt đầu và tiếp tục điều trị ARV hiệu quả.

- Viêm nướu: Viêm nướu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn trong miệng có thể dẫn đến đỏ và sưng nướu, tụt nướu, hôi miệng và chảy máu khi dùng chỉ nha khoa hoặc đánh răng. Khi lượng virus không được kiểm soát, hệ thống miễn dịch sẽ bị suy yếu trước các loại virus và vi khuẩn khác, như vi khuẩn gây viêm nướu. Vệ sinh răng miệng tốt, bao gồm đánh răng ít nhất hai lần một ngày có thể giúp ngăn ngừa.

5 vấn đề sức khoẻ răng miệng thường gặp ở người nhiễm HIV- Ảnh 2.

Người nhiễm HIV nên vệ sinh răng miệng tốt và đi khám răng định kỳ.

- Sâu răng: Nhiễm HIV không được điều trị có nguy cơ sâu răng cao hơn. Việc kém chú ý đến vệ sinh răng miệng góp phần gây ra vấn đề. Các yếu tố làm tăng nguy cơ sâu răng ở những người nhiễm HIV:

  • Tỷ lệ hút thuốc cao
  • Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường cao
  • Chế độ ăn nhiều đường
  • Sử dụng ma túy và rượu...

Cơn đau do sâu răng không được điều trị có thể rất dữ dội và tình trạng này có thể dẫn đến mất răng. Một lý do khác khiến tình trạng sâu răng gia tăng ở những người nhiễm HIV là nói chung họ không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ răng miệng. Nếu không có bảo hiểm, việc chăm sóc nha khoa cũng tốn kém nên nhiều người không khám nha sĩ cho đến khi gặp vấn đề. 

2. Vệ sinh răng miệng ở người nhiễm HIV

Duy trì vệ sinh răng miệng tốt là điều quan trọng đối với những người nhiễm HIV/AIDS. Đánh răng thường xuyên giúp giảm nguy cơ sâu răng và các bệnh về nướu. Bệnh nhân nên sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm và kem đánh răng có fluoride. Khuyến khích đánh răng ít nhất hai lần một ngày và thay bàn chải đánh răng ba tháng một lần hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải bị sờn.

Ngoài ra, khuyến nghị những người nhiễm HIV nên đi khám răng định kỳ. Hầu hết các vấn đề về sức khỏe răng miệng liên quan đến HIV đều có thể điều trị được. Phương pháp điều trị nha khoa cho bệnh nhân HIV/AIDS sẽ được các bác sĩ nha khoa cân nhắc cụ thể tuỳ từng trương hợp.

Người bệnh cũng cần thông báo cho nha sĩ biết về tiền sử bệnh, thuốc điều trị đang dùng... Cần tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm trùng thích hợp, bao gồm các biện pháp phòng ngừa phổ quát, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo. Người bệnh cũng cần tuân thủ uống thuốc điều trị HIV đúng lịch.

Theo suckhoedoisong.vn