Bình thường, âm đạo  tiết ra mùi đặc trưng tùy thuộc vào mỗi cơ thể. Tuy nhiên, khi bạn gặp một số vấn đề như kỳ kinh nguyệt, quên băng vệ sinh hoặc có bệnh lý liên quan đến sinh dục thì mùi âm đạo trở nên rất khó chịu.

Nếu bạn đang cảm thấy sự thay đổi trong mùi ở âm đạo, hãy thử một vài gợi ý sau đây.

1. Nguyên nhân nào gây ra mùi âm đạo?

Âm đạo có khả năng tự làm sạch rất tốt nhưng đôi khi mùi có thể nặng hơn hoặc hơi khó chịu, đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Một số nguyên nhân gây ra mùi âm đạo bao gồm chu kỳ kinh nguyệt, quên băng vệ sinh, sau quan hệ tình dục, đổ mồ hôi và nhiễm vi khuẩn...

Muốn 'cô bé' luôn thơm, chị em cần lưu ý những việc làm này - Ảnh 2.

Mùi âm đạo có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Theo ThS. BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa khám Sản tự nguyện, BV Phụ sản Hà Nội, mùi hôi âm đạo cũng có thể do các nguyên nhân khác - thường là do sự mất cân bằng độ pH trong âm đạo.

Sau khi quan hệ tình dục, tinh dịch có thể loại bỏ lượng vi khuẩn tốt trong âm đạo do độ pH có tính axit cao hơn, gây ra mùi nồng hơn.

Để băng vệ sinh quá lâu, đặc biệt là loại băng vệ sinh có mùi thơm, cũng có thể làm mất cân bằng độ pH do vi khuẩn gia tăng.

Nhiễm trùng âm đạo là một nguyên nhân phổ biến nhất gây ra mùi tanh và nồng hơn. Viêm nhiễm âm đạo có thể kèm theo tiết dịch màu trắng, xanh lục hoặc xám.

Nếu mùi âm đạo khác thường kèm theo tiết dịch, nóng rát hoặc ngứa thì nên đến chuyên khoa thăm khám ngay lập tức vì đó có thể là một bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như nhiễm trùng âm đạo hoặc một bệnh lây truyền qua đường tình dục như nhiễm trùng roi Trichomonas.

2. Những việc cần làm để loại bỏ mùi hôi âm đạo

Mùi đặc trưng là một phần bình thường của âm đạo, và không có lý do gì để xấu hổ về điều đó. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm những cách an toàn và lành mạnh để giảm bớt mùi hôi, thì có một số lựa chọn sau đây.

2.1 Thực hành vệ sinh âm đạo tốt

Dịch tiết âm đạo và vi khuẩn có thể tích tụ nếu khu vực này không được rửa sạch, điều này có thể làm nặng thêm mùi hôi theo thời gian. Bác sĩ Christy Boraas - chuyên ngành sản phụ khoa Đại học Y Minnesota, Hoa Kỳ cho biết: Âm đạo có khả năng tự làm sạch bằng cách tiết ra dịch trắng hoặc trong, bạn nên rửa khu vực bên ngoài âm đạo mỗi ngày 1 lần với xà phòng nhẹ, không mùi và nước giúp âm đạo luôn sạch. Trong kỳ kinh nguyệt, bạn có thể rửa 2 lần/ ngày.

Bác sĩ Christy Boraas lưu ý: Hãy nhớ không nên thụt rửa hoặc rửa vào sâu bên trong âm đạo, điều này thực sự có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vì nó phá vỡ sự cân bằng vi khuẩn trong âm đạo.

2.2 Tránh các sản phẩm có mùi thơm

Muốn 'cô bé' luôn thơm, chị em cần lưu ý những việc làm này - Ảnh 4.

Không sử dụng các sản phẩm có mùi thơm cho 'vùng kín'.

Vùng da âm đạo rất nhạy cảm, vì vậy khi bạn sử dụng các sản phẩm có hương thơm hoặc chất phụ gia để vệ sinh âm đạo hoặc dùng băng vệ sinh có mùi thơm có thể gây kích ứng như ngứa và mẩn đỏ.

BS. Boraas lưu ý: "Bạn sẽ gây hại nhiều hơn khi sử dụng các sản phẩm có mùi thơm để vệ sinh vùng kín. Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng các sản phẩm có mùi thơm có thể hữu ích, nhưng sự kích ứng mà các sản phẩm này gây ra có thể dẫn đến sự mất cân bằng vi khuẩn và gây mùi nặng hơn".

2.3 Mặc đồ lót bằng vải cotton

Theo ThS. BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy: Vi khuẩn kỵ khí tồn tại trong âm đạo có thể gây mùi âm đạo. Vi khuẩn này vốn tồn tại trong âm đạo và khi gặp môi trường thuận lợi sẽ phát triển, nhất là môi trường kỵ khí như mặc quần áo quá chật, quá bí trong một thời gian dài.

Do đó, bạn nên chọn đồ lót bằng vải cotton là một loại vải thoáng khí hơn, không giữ ẩm. Các loại sợi không phải cotton, chẳng hạn như sợi tổng hợp sẽ giữ nhiệt, mồ hôi tiết ra nhiều có thể dẫn đến nhiễm trùng nấm men và gây mùi âm đạo.

Phụ nữ nên giữ cho vùng kín luôn khô thoáng và một trong những cách tốt nhất để làm điều đó là chọn chất liệu đồ lót bằng vải thoáng khí. Khi tập thể dục ra mồ hôi nhiều nên thay quần áo ướt càng sớm càng tốt.

Muốn 'cô bé' luôn thơm, chị em cần lưu ý những việc làm này - Ảnh 6.

Chọn đồ lót bằng chất liệu cotton thoáng khí.

2.4 Thử dùng men vi sinh

Probiotics là vi khuẩn sống và nấm men giúp tăng cường sức khỏe đường ruột, và một số như chủng vi khuẩn lactobacilli có thể cải thiện sức khỏe của hệ vi khuẩn trong khu vực âm đạo.

Bạn có thể mua các chất bổ sung lactobacilli được điều chế đặc biệt cho sức khỏe âm đạo nhưng nếu bạn không thấy cải thiện trong vài tuần đầu tiên có nghĩa nó không hữu ích với bạn.

2.5 Nói chuyện với bác sĩ 

Khi bạn lo lắng về mùi âm đạo của mình, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, bác sĩ có thể xác định xem đó có phải là do nhiễm trùng hay không. Nếu phát hiện nguyên nhân mùi âm đạo do nhiễm trùng cơ bản, bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc uống, thuốc đặt để giảm vi khuẩn gây viêm nhiễm và khôi phục lại sự cân bằng độ pH.

ThS. BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy cho biết thêm: Các viêm nhiễm âm đạo có thể điều trị khỏi nhưng không dứt điểm, rất dễ tái nhiễm. Khi có bất cứ biểu hiện nào khác thường như mùi âm đạo hôi, tanh kèm theo khí hư ra quá nhiều, có màu vàng, màu xanh hoặc màu hồng nhạt, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa khám để được chẩn đoán và điều trị đúng.

Theo suckhoedoisong.vn