TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội (truyền nhiễm), Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương và PGS.TS Cao Hữu Nghĩa, giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TP.HCM. 

Đây là những nỗi lo của các chuyên gia truyền nhiễm trong tọa đàm “Thông tin về viêm não Nhật Bản và viêm màng não do não mô cầu” diễn ra ngày 15/4 do Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức.

Tại buổi tọa đàm, TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội (truyền nhiễm), Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Viêm màng não do não mô cầu là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của màng não, màng bao bọc não và tủy sống. Bệnh lây qua đường hô hấp, do người lành tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi, hầu họng bắn ra từ người mang vi khuẩn và người lành mang trùng; có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ sơ sinh, mẫu giáo và thanh thiếu niên gặp nhiều nhất.

“Tình trạng lây lan bệnh này rất nhanh, đặc biệt là ở các thành phố lớn, sôi động, có mật độ giao lưu lớn. Bệnh để lại nhiều di chứng như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Mặc dù kỹ thuật điều trị bệnh này tại Việt Nam rất tốt, không thua kém Đông Nam Á. Thế nhưng khoảng 50% bệnh nhân vẫn phải chịu di chứng kéo dài” - TS Hải cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, tại Việt Nam, khoảng 5-20% dân số là người lành mang trùng não mô cầu. Triệu chứng sớm của bệnh giống bệnh cúm nên là một thử thách cho việc chẩn đoán đúng bệnh ở giai đoạn sớm. Viêm màng não do não mô cầu có diễn tiến nhanh, gây tử vong trong vòng 24 giờ. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8-15%, thậm chí có thể lên đến 50% khi không được điều trị kịp thời.

Một trường hợp viêm não Nhật Bản do không tiêm nhắc lại.

Còn theo PGS.TS Cao Hữu Nghĩa, giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TP.HCM, viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus gây ra, lây nhiễm thông qua trung gian là muỗi đốt các loài gia súc, gia cầm. Hiện, viêm não Nhật Bản không có điều trị đặc hiệu. Điều trị chỉ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng, hỗ trợ bệnh nhân vượt qua tình trạng nhiễm trùng và vật lý trị liệu khi có di chứng với chi phí rất tốn kém. Có từ 20-30% bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản tử vong. Tuy nhiên, những người được giữ được mạng sống cũng chịu di chứng nặng nề, trong đó, 50% chịu tàn tật nghiêm trọng như rối loạn vận động, co giật, rối loạn nhận thức hay ngôn ngữ; 50% bệnh nhân còn lại hoặc không có di chứng, hoặc bị các di chứng nhẹ như khó khăn trong học tập, ứng xử, thần kinh…

“Hiện bệnh viêm não Nhật Bản không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, người dân chỉ có thể kiểm soát vector gây bệnh, vaccine là biện pháp dự phòng tốt nhất. Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã đưa vaccine này vào tiêm chủng, vì vậy người dân không thể bỏ qua” – TS Nghĩa cho biết.

Cũng theo ông Nghĩa, trước đây, bệnh viêm não xảy ra tập trung ở mùa hè, nhưng hiện nay, ngoài mùa hè nhiều, bệnh còn xảy ra rải rác trong năm, nguyên nhân là do có sự thay đổi thời tiết, môi trường... Bên cạnh đó, thay vì trước đây, đối tượng mắc chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi thì nay trẻ lớn cũng có thể mắc bệnh, do có sự thay đổi về hệ miễn dịch...

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, việc tiêm vaccine quan trọng nhất vẫn là đúng lịch và đầy đủ các mũi mới đạt hiệu quả nhất trong phòng bệnh. Do đó, cần tham khảo tư vấn của bác sĩ để lựa chọn vaccine phù hợp nhằm bảo vệ bảo thân và gia đình khỏi những hậu quả nặng nề do các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này mang lại./.

Hàng năm Thế giới chọn ngày 24/4 để nói về bệnh viêm màng não trên toàn cầu. Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về căn bệnh và biện pháp phòng ngừa. Tiêm vaccine là phương thức phòng ngừa viêm màng não hiệu quả. Tổ chức Y tế Thế giới cũng chọn Tuần lễ cuối tháng 4 (24/4-30/4) là Tuần lễ Tiêm chủng thế giới.

Theo vov