Hòa mình với thiên nhiên sẽ giúp bạn phục hồi năng lượng và thiết lập lại trạng thái cân bằng - Ảnh (minh họa): Getty Images
Đài CNBC chia sẻ bài viết của tiến sĩ Wendy Suzuki - nhà khoa học thần kinh và là giáo sư về khoa học thần kinh và tâm lý học tại ĐH New York (Mỹ) - về 6 bài tập hằng ngày bà vẫn dùng để "rèn cơ bắp" cho tinh thần:
1. Nghĩ đến những kết quả tích cực
Khi bắt đầu hoặc kết thúc mỗi ngày, hãy nghĩ về những việc trong ngày. Hãy nhìn vào từng việc và hình dung ra kết quả lạc quan, tích cực nhất để có thêm động lực.
2. Nhìn trạng thái lo lắng ở phương diện tích cực
Hãy tự nhắc mình rằng lo lắng không phải lúc nào cũng xấu. Ví dụ giận dữ có thể khiến bạn mất tập trung và không thể làm gì, nhưng nó cũng thôi thúc, nhắc nhở bạn nhớ tới mục tiêu mà mình đang hướng tới.
Sợ hãi có thể xới lại ký ức về những thất bại trước đây, nhưng cũng giúp bạn cẩn thận hơn khi ra quyết định. Buồn phiền có thể làm xuội lơ cảm hứng nhưng cũng có thể giúp bạn biết cách lập lại ưu tiên cho mọi thứ, thúc đẩy bạn thay đổi.
Lo lắng có thể khiến bạn trì hoãn mọi việc, nhưng có thể giúp bạn trau chuốt kế hoạch hơn, điều chỉnh những kỳ vọng và trở nên thực tiễn, có mục tiêu hơn...
Thử một điều mới mẻ với bản thân cũng sẽ mang lại nguồn năng lượng và cảm xúc tích cực cho bạn - Ảnh (minh họa): A-speakers
3. Thử một điều mới mẻ
Những ngày giãn cách này, bạn có thể tạo cơ hội cho cơ thể cũng như trí não mình được thử một điều gì đó chưa từng làm: tham dự một khóa học online, tham gia câu lạc bộ thể thao địa phương hay một sự kiện trực tuyến...
4. Giữ liên hệ với mọi người
Giữ liên hệ với bạn bè, đồng nghiệp, bà con xa gần... và chủ động nuôi dưỡng các mối quan hệ sẽ giúp bạn kiểm soát lo lắng, đồng thời cho bạn cảm giác mình không đơn độc, luôn có người xung quanh quan tâm đến mình. Đây là điều rất quan trọng trong giai đoạn dịch căng thẳng và xã hội đang giãn cách khiến cơ hội gặp gỡ, giao tiếp của mọi người bị hạn chế.
5. Nhớ về những điều tích cực
Việc tự động viên mình là điều không dễ. Nhưng bạn có thể nghĩ về một người ủng hộ bạn nhiều nhất trong cuộc sống, chồng/vợ, anh chị em, bạn bè, cha mẹ hay người cố vấn. Hãy nghĩ tới những điều họ đã/sẽ nói với bạn và tự nhắc lại mình điều đó.
Những cảm xúc tiêu cực không phải lúc nào cũng xấu nếu ta nhìn thấy một phương diện giá trị khác của nó - Ảnh (minh họa): Alabar
6. Hòa mình với thiên nhiên
Một góc sân thượng trồng cây, một khoảnh công viên gần nhà, một mảng xanh yên tĩnh... Bạn hãy tìm đến và hít thở, thư giãn, cảm nhận mọi âm thanh, mùi vị, hình ảnh xung quanh. "Bài tập" này sẽ giúp tinh thần của bạn dẻo dai, kiên cường bởi nó giống như sự phục hồi năng lượng và thiết lập lại trạng thái cân bằng cho bạn.
Theo tuoitre