Nói chung, bài tập tốt nhất cho người mắc bệnh đái tháo đường là bài tập ít tác động. Điều quan trọng là những người mắc bệnh đái tháo đường phải nhận thức được lợi ích của việc tập thể dục, đồng thời ngăn ngừa mọi chấn thương trong cuộc sống và chấn thương có thể xảy ra khi tập, TS. James Borchers, Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Bang Ohio (Hoa Kỳ) cho biết.
Theo một nghiên cứu đánh giá mới, bệnh thần kinh ngoại biên - tổn thương dây thần kinh ở tứ chi, có thể làm tăng nguy cơ chấn thương và nhiễm trùng ở bàn chân (thường phát triển trong vòng 10 năm ở ít nhất một nửa số người được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2). Đánh giá tương tự cũng chỉ ra rằng bệnh thần kinh ngoại biên ảnh hưởng đến 10 -15% số người mới được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2, khiến các chiến lược phòng ngừa càng trở nên quan trọng.
Đối với những người lớn tuổi mắc bệnh đái tháo đường có nhiều vấn đề cần cân nhắc hơn như: Thoái hóa khớp (đau đầu gối), loãng xương… Do đó, cần cẩn trọng khi tập luyện.
Dưới đây là sáu bài tập thể dục giảm thiểu tác động nhưng lại mang lại lợi ích tối ưu cho người bệnh đái tháo đường:
1. Đi bộ là bài tập nhẹ nhàng rất tốt cho người mắc bệnh đái tháo đường
Đi bộ là bài tập ít tác động hơn chạy bộ. Tăng số bước của bạn dần dần từ tuần này sang tuần khác bằng cách đỗ xe xa cửa siêu thị hơn, tham gia một số bài tập đi bộ trên máy chạy bộ, đi bộ ngắn sau bữa ăn… Nếu bạn đang ở nhà, thậm chí có thể đi bộ tại chỗ. Đặt một chương trình bạn thích trên TV và di chuyển đôi chân theo nhạc… cũng rất hữu ích.
Đi bộ là bài tập nhẹ nhàng rất tốt cho người mắc bệnh đái đường
2. Yoga và thái cực quyền có thể giúp tăng tính linh hoạt
Yoga bao gồm các bài tập thiền định, nhẹ nhàng, sử dụng trọng lượng cơ thể của bạn để tăng cường nhiều loại cơ bắp đồng thời cải thiện tính linh hoạt, cân bằng, khả năng vận động… Điều này rất quan trọng đối với người lớn tuổi.
3. Đạp xe trong nhà là bài tập tốt cho những ai dễ bị té ngã
Đạp xe trong nhà rất phù hợp đối với những người dễ bị té ngã. Đạp xe tại chỗ có thể tăng sức mạnh và khối lượng cơ nạc phần dưới cơ thể, đồng thời cải thiện sức khỏe tim mạch mà không có nguy cơ bị ngã.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ trước khi thử bất kỳ hình thức đạp xe trong nhà nào để đảm bảo rằng trái tim của bạn đủ khỏe mạnh để tập thể dục cường độ cao.
4. Các bài tập ở bể bơi
Các bài tập dưới nước như bơi lội và thể dục nhịp điệu dưới nước không chỉ không có tác động mà còn không chịu trọng lượng, loại bỏ tác động của trọng lực lên khớp.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã xem xét những người trung niên và lớn tuổi bị viêm xương khớp và phát hiện ra rằng, tập luyện tại bể bơi giúp giảm đáng kể tình trạng đau và cứng khớp đồng thời tăng cường sức mạnh và chức năng cơ bắp.
Do tính chất nhẹ nhàng của bơi lội, tập luyện tại bể bơi có thể là một lựa chọn tuyệt vời cho bất kỳ ai mắc bệnh đái tháo đường đang phải kiểm soát bệnh thần kinh…
Đạp xe trong nhà là bài tập tốt cho những ai dễ bị té ngã
5. Máy tập hình elip, máy leo cầu thang và máy chèo thuyền là những lựa chọn tập tim mạch có tác động thấp
Trường Y tế Công cộng Harvard khuyến nghị, mọi người nên tập thể dục nhịp điệu cường độ thấp đến trung bình ít nhất 30 phút/lần, năm lần mỗi tuần. Máy tập hình elip, máy leo cầu thang và máy chèo thuyền đều là những cách tuyệt vời để tập luyện tim mạch với tác động tối thiểu.
Máy tập hình elip và máy leo cầu thang là lý tưởng cho những người cảm thấy thoải mái khi dồn toàn bộ trọng lượng của mình lên một chân cùng một lúc, trong khi những người chèo thuyền rèn luyện cả phần dưới và phần trên cơ thể cùng một lúc.
Đi lên và xuống cầu thang cũng là hoạt động tốt, nhưng cần lưu ý luôn mang giày có độ bám tốt khi tập thể dục trên cầu thang và nếu cần, hãy bám vào lan can.
6. Các bài tập rèn luyện sức mạnh chịu trọng lượng có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu
Các bài tập rèn luyện sức mạnh khi đứng (hay còn gọi là chịu trọng lượng) giúp củng cố xương, ngăn ngừa các vấn đề về xương và khớp liên quan đến bệnh đáo tháo đường, đồng thời tăng cường khối lượng và sức mạnh cơ nạc.
Khi càng có nhiều khối lượng cơ nạc thì càng hấp thụ nhiều glucose và kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Thêm vào đó, một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 cho thấy rằng, việc rèn luyện sức mạnh trực tiếp chống lại nhiều thay đổi về trao đổi chất xảy ra ở cơ của người mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Tuy nhiên, khi bắt đầu thói quen rèn luyện sức mạnh, điều quan trọng là phải dành thời gian để thành thạo các hình thức tập luyện phù hợp. Nếu bạn không biết kỹ thuật (và ngay cả khi bạn nghĩ mình biết) hãy cân nhắc lên lịch một vài buổi với huấn luyện viên được chứng nhận, người có kinh nghiệm làm việc với những người mắc bệnh đái tháo đường… thậm chí có các lựa chọn để thử tập luyện cá nhân tại nhà…
Các bài tập thể hình hiệu quả, chẳng hạn như squats, cầu cơ mông và chống đẩy, rất đơn giản để thực hiện tại nhà và hoàn toàn không cần thiết bị.
|