Tầm quan trọng của thận đối với cơ thể
Thận là một cơ quan bài tiết ở trong hệ tiết niệu với vai trò quan trọng. Thận nằm đối xứng nhau qua xương cột sống. Vị trí của quả thận phải thấp hơn so với thận trái và khoảng cách giữa chúng dao động từ nửa đến một đốt sống.
Thận gồm có hai vùng chính là phần vỏ ngoài và phần tủy. Trong đó, vỏ ngoài có màu đỏ và có chứa các mao mạch. Những bộ phận nằm ngoài vùng vỏ ví dụ như cầu thận, nang cầu thận... Trong vùng tủy thận sẽ gồm có tháp thận, ống thận giữa chuyên thực hiện những nhiệm vụ quan trọng.
Những chức năng của thận chủ yếu là:
- Lọc máu và các chất thải. Đây là chức năng chính và cũng là nhiệm vụ quan trọng để loại bỏ những độc tố có hại bằng việc hình thành nước tiểu và đẩy chúng ra bên ngoài. Những tế bào máu hoặc các protein tốt cho cơ thể sẽ được giữ lại nhằm đảm bảo hoạt động sống của cơ thể ở trạng thái tốt nhất.
- Bài tiết nước tiểu. Các đơn vị nephron của thận sẽ tham gia vào quá trình hình thành nước tiểu. Chúng sẽ đi qua ba giai đoạn chính bao gồm lọc máu, hấp thụ lại và cuối cùng là bài tiết nước tiểu.
- Điều hòa thể tích máu. Thận cũng là cơ quan có sự tham gia sâu đối với quá trình điều hòa thể tích máu.
- Ngoài ra, thận cũng tham gia quá trình kích thích hấp thu vitamin D, điều hòa huyết áp và kiểm soát các tình trạng của cơ thể,...
Các bệnh về thận hay gặp
Suy thận
Là khi thận không đủ sức thải bỏ mọi cặn bã, khiến các chất độc hại và dịch dư thừa đọng lại trong cơ thể. Căn cứ vào các chỉ số albumin, creatinin, ure, protein... qua xét nghiệm nước tiểu sẽ biết được tình trạng bệnh của thận.
Có 3 thể suy thận là suy thận cấp tính, mạn tính và suy thận giai đoạn cuối. Suy thận cấp tính phần lớn do giảm thể tích máu làm cho thận không thực hiện được chức năng bài tiết và điều hòa nước.
Suy thận mạn tính khi độ thanh thải creatinin xuống dưới 40ml/phút. Đây là những bệnh ống thận - mô kẽ mạn tính. Trong suy thận mạn tính, một số trường hợp bệnh nặng phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống. Đây cũng chính là suy thận giai đoạn cuối.
Sỏi thận
Khi bị bệnh sỏi thận và sỏi đường tiết niệu, bệnh nhân sẽ thấy đái khó, đái buốt, đái rắt, màu sắc nước tiểu thay đổi (đục, đỏ...), lượng nước tiểu ít, đau vùng thắt lưng, có thể kèm theo sốt hoặc không sốt...
Nguyên nhân gây ra sỏi thận - niệu là do có sự rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, đặc biệt là lượng canxi trong nước tiểu tăng do chế độ ăn uống thừa canxi, rối loạn chuyển hóa tuyến nội tiết và tuyến cận giáp trạng.
Một nguyên nhân phổ biến nữa gây sỏi thận là do viêm nhiễm đường tiết niệu.
Viêm thận
Là tình trạng viêm thường gặp do nhiễm khuẩn hoặc do ngộ độc thuốc, hóa chất. Vi khuẩn gây bệnh thường là Enterobacter, E.Coli, Proteur... Viêm thận chia thành hai dạng, đó là viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn tính.
Viêm cầu thận cấp là bệnh hay gặp trong các bệnh thận ở trẻ em từ 2 đến 15 tuổi. Nguyên nhân do nhiễm liên cầu khuẩn hoặc do các ổ nhiễm khuẩn bội nhiễm. Điều kiện vệ sinh kém cũng là hoàn cảnh thuận lợi gây bệnh. Viêm cầu thận mạn tính là biến chứng của viêm cầu thận cấp, thường gặp ở người lớn.
Viêm ống thận cấp
Viêm ống thận cấp thường là do ngộ độc chì, thuỷ ngân, sunfamit, khiến người bệnh không đi tiểu được, urê máu cao, nước tiểu có protein, nhiều hồng cầu, bạch cầu trụ hình hạt.
Một số chất khác gây viêm ống thận nhiễm độc như esen, tetraclorua, axit oxatic, photphocacbon, axit clohydric, axit nitric, cantarit, pyramydon naptol, clorofoc, vitamin D2.
Các khoáng chất cần thiết là canxi, sản xuất hormon nh erythropoietin, ezym và vitamin, giúp điều hòa huyết áp và số lượng hồng cầu…
Thận nhiễm mỡ
Khi thận bị nhiễm mỡ, người bệnh sẽ thấy tự nhiên bị phù rất đột ngột, hoặc bị phù sau nhiễm khuẩn thông thường như viêm họng. Để điều trị cần kết hợp chế độ ăn hạn chế muối, ít nước, nhiều vitamin và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Sử dụng các thuốc nhóm corticoid đúng cách theo liều lượng cân nhắc để tránh biến chứng hoặc tác dụng phụ của thuốc.
Hội chứng thận hư
Khi các tác nhân gây bệnh lắng đọng ở cầu thận. Nhiều khi hội chứng thận hư có nguyên nhân từ việc dùng thuốc không đúng liều lượng. Khi ngừng thuốc, cầu thận có thể trở lại bình thường.
Lời khuyên của bác sĩ
Nhìn chung bệnh về thận rất nguy hiểm và là những ca bệnh nặng cần phải được điều trị tích cực tại các cơ sở y tế. Những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp hay trong gia đình có người mắc bệnh thận di truyền nên thường xuyên đi khám chuyên khoa tiết niệu. Qua các xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu và theo dõi huyết áp, sẽ giúp họ kiểm soát hoạt động của thận chính xác và kịp thời.
Thay đổi lối sống, sinh hoạt: Thường xuyên cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, ít nhất 2 lít nước mỗi ngày nhằm đảm bảo quá trình đào thải các độc tố ra bên ngoài một cách hiệu quả nhất.
Hạn chế ăn nhiều muối. Bổ sung thêm các loại rau, củ, quả để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Theo suckhoedoisong.vn