HIV làm phá hủy hệ thống miễn dịch và nếu không được điều trị, sẽ tiến tới AIDS. Các triệu chứng đầu tiên của HIV có bản chất giống như bệnh cúm và giống nhau ở tất cả các giới tính, nhưng theo thời gian, đối với phụ nữ, HIV có thể làm thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, gia tăng nhiễm trùng âm đạo và có thể ảnh hưởng đến cơ thể theo những cách dẫn đến các triệu chứng chỉ có ở phụ nữ.

1. Các triệu chứng HIV

Các dấu hiệu đầu tiên của HIV đối với 2/3 số người là các triệu chứng giống cúm như sốt, ớn lạnh và mệt mỏi... Các triệu chứng này là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với nhiễm trùng và phát triển trong vòng hai đến bốn tuần sau khi tiếp xúc với virus. Đây được gọi là nhiễm HIV cấp tính và có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.

Trong giai đoạn này, HIV nhanh chóng nhân lên và lây lan khắp cơ thể. Các triệu chứng HIV ở phụ nữ - và bất kỳ người nào khác - trong thời gian này bao gồm:

  • Phát ban
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Đau cơ
  • Viêm họng
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Loét miệng

Sau khi nhiễm HIV cấp tính này, người nhiễm sẽ bước vào giai đoạn nhiễm HIV mãn tính. Trong thời gian này, HIV tiếp tục sinh sôi nhưng ở mức độ thấp hơn. Nếu không điều trị, giai đoạn này có thể kéo dài khoảng 10 năm trước khi tiến triển thành AIDS.

Nhiễm HIV mãn tính còn được gọi là nhiễm HIV không triệu chứng vì có thể bạn không cảm thấy bị bệnh hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào. Các triệu chứng HIV nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như hệ thống miễn dịch suy yếu, sẽ mất nhiều thời gian hơn để phát triển…

photo-1664871096087
 

HIV có thể gây một số biến chứng ở phụ nữ…

2. Các biến chứng của HIV ở phụ nữ

Trong giai đoạn nhiễm HIV mãn tính, phụ nữ có thể trải qua những thay đổi về sức khỏe. Mặc dù có thể không gặp bất kỳ biến chứng nào trong một thời gian khá dài, nhưng cuối cùng chúng có thể phát triển và có một số thay đổi về sức khỏe liên quan đến HIV trong quá trình nhiễm HIV mãn tính, đặc biệt đối với phụ nữ.

2.1 Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt

Phụ nữ nhiễm HIV có thể nhận thấy những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của mình như: Có thể bị trễ kinh, ra máu kinh ít hoặc nhiều hơn so với trước khi bị nhiễm.

Phụ nữ nhiễm HIV cũng có nhiều khả năng có các triệu chứng nghiêm trọng hơn của PMS (Hội chứng tiền kinh nguyệt). Các triệu chứng này bao gồm:

  • Ngực mềm hoặc căng tức
  • Táo bón hoặc tiêu chảy
  • Đầy hơi hoặc cảm giác có hơi
  • Chuột rút
  • Nhức đầu hoặc đau lưng
  • Cáu gắt
  • Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn

2.2 Tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo

Phụ nữ nhiễm HIV có nhiều khả năng bị nhiễm trùng nấm âm đạo hoặc viêm âm đạo do vi khuẩn (BV) hơn phụ nữ không nhiễm HIV.

Nhiễm trùng nấm men xảy ra ít nhất bốn lần một năm, nghĩa là chúng tái phát, phổ biến hơn ở phụ nữ nhiễm HIV giai đoạn nặng. Các triệu chứng của nhiễm trùng nấm âm đạo bao gồm:

  • Ngứa trong và xung quanh âm đạo
  • Đỏ, sưng âm đạo và âm hộ
  • Đau khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục
  • Đau nhức
  • Tiết dịch âm đạo đặc, màu trắng, không mùi..

Phụ nữ nhiễm HIV cũng có nguy cơ mắc viêm âm đạo do vi khuẩn cao hơn (một tình trạng mà sự cân bằng bình thường của vi khuẩn trong âm đạo bị phá vỡ). Các triệu chứng của viêm âm đạo do vi khuẩn bao gồm:

  • Tiết dịch màu trắng hoặc xám từ âm đạo
  • Đau, ngứa hoặc nóng rát ở âm đạo
  • Mùi tanh nồng, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục
  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Ngứa xung quanh bên ngoài âm đạo

Những trường hợp nhiễm trùng nấm men này và các trường hợp mắc bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn không chỉ xảy ra thường xuyên hơn mà còn khó điều trị hơn bình thường.

photo-1664871098900

Hình ảnh nấm âm đạo.

2.3 Dễ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục

Đối với người nhiễm nhiễm HIV, không chỉ có nguy cơ cao hơn bị nhiễm một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) như mụn rộp sinh dục và bệnh viêm vùng chậu… mà còn có nguy cơ gặp nhiều triệu chứng của các bệnh này hơn. STIs cũng có thể khó điều trị hơn ở người nhiễm HIV.

2.4 Mãn kinh sớm

Được coi là mãn kinh khi mất kinh ít nhất 12 tháng. Độ tuổi mãn kinh trung bình ở Mỹ là 52 tuổi. Tuy nhiên, phụ nữ nhiễm HIV có xu hướng mãn kinh sớm hơn.

Bản thân thời gian chuyển tiếp dẫn đến mãn kinh và mãn kinh được đánh dấu bằng nhiều thay đổi, bao gồm cả sự khởi đầu của các cơn bốc hỏa.

Cơn bốc hỏa là khi bạn đột nhiên cảm thấy nóng ở phần trên hoặc toàn bộ cơ thể. Cảm giác này có thể kéo dài từ 30 giây đến 10 phút và có thể xảy ra ở các tần suất khác nhau. Nhưng phụ nữ nhiễm HIV thường có những cơn bốc hỏa nghiêm trọng hơn so với những người không nhiễm HIV.

2.5 Mất xương nhanh hơn

Những người nhiễm HIV bị mất xương nhanh hơn những người không nhiễm HIV, đặc biệt đối với phụ nữ nhiễm HIV. Ngay cả khi không có HIV, phụ nữ có xu hướng mất xương nhanh hơn nam giới do những thay đổi nội tiết tố xảy ra sau khi mãn kinh. Vì vậy, nhiễm HIV có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến quá trình mất xương của phụ nữ.

2.6 Tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung

Phụ nữ nhiễm HIV có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn. Điều này là do virus u nhú ở người (HPV) là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh ung thư và phụ nữ nhiễm HIV có nhiều khả năng mắc các loại HPV gây ung thư.

Do nguy cơ gia tăng này, phụ nữ nhiễm HIV nên trao đổi về việc sàng lọc Pap smear (hay còn gọi tắt là Pap hoặc phết tế bào cổ tử cung). Đây là một loại xét nghiệm tế bào học dùng để tầm soát và phát hiện ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

Ví dụ, một số hướng dẫn khuyến nghị nên thực hiện hai xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung trong năm đầu tiên sau khi chẩn đoán HIV, và thực hiện 1 xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung hằng năm, nếu hai lần xét nghiệm đầu tiên là bình thường.

3. Những lưu ý đặc biệt đối với phụ nữ nhiễm HIV

photo-1664871102289

Một số nhóm phụ nữ, chẳng hạn như những người đang mang thai hoặc cho con bú và những người đang dùng thuốc điều trị HIV, có thể cần phải thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhất định.

3.1 Phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con

HIV có thể truyền từ mẹ sang con khi mang thai, khi sinh và cho con bú. Do đó, phụ nữ đang mang thai hoặc mới sinh con cần phải có những biện pháp phòng ngừa đặc biệt (theo hướng dẫn của bác sĩ).

Những người mang thai nhiễm HIV - và con của họ sau khi được sinh ra - cần phải dùng thuốc để giảm nguy cơ lây truyền. Cũng có ý kiến cho rằng phụ nữ nhiễm HIV sử dụng sữa công thức thay vì cho con bú vì HIV có thể truyền qua sữa mẹ…

Nếu thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp, nguy cơ truyền HIV sang trẻ sơ sinh có thể dưới 1%.

3.2 Tương tác thuốc điều trị HIV

Người nhiễm HIV trị bằng thuốc kháng virus để ức chế virus ở mức không thể phát hiện được. Điều này giúp người nhiễm HIV có thể sống cuộc sống với ít biến chứng hơn và không truyền HIV cho người khác.

Nói chung, phụ nữ đang dùng thuốc điều trị HIV có thể có các tác dụng phụ khác nhau - đôi khi nghiêm trọng hơn - do thuốc. Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số phương pháp điều trị HIV nhất định có thể khiến một số phụ nữ bị phát ban, buồn nôn và nôn với tỷ lệ cao hơn nam giới.

Một số loại thuốc điều trị HIV cũng có thể tương tác với thuốc tránh thai nội tiết tố uống, tiêm, cấy ghép… để kiểm soát sinh sản, làm tăng nguy cơ mang thai ngoài ý muốn. Do đó, nếu bạn bị nhiễm HIV dùng thuốc tránh thai, có thể cần dùng thêm một hình thức bảo vệ bổ sung.

Nếu bạn đang sử dụng thuốc điều trị HIV, hãy trao đổi với bác sĩ về lựa chọn kiểm soát sinh sản nào là tốt nhất cho mình.

 Khi nghi ngờ mình đã tiếp xúc với HIV và có các triệu chứng giống như cúm, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc đến phòng khám để được xét nghiệm. Những triệu chứng ban đầu này có thể do bất kỳ loại bệnh nào gây ra, không chỉ nhiễm HIV, nhưng cách duy nhất để biết chắc chắn mình nhiễm HIV hay không là đi xét nghiệm.

Hãy đi xét nghiệm sớm để được dùng thuốc sớm (nếu nhiễm HIV) để giúp ức chế virus ở mức không thể phát hiện được.

Khi đã được chẩn đoán xác định HIV, điều quan trọng là giữ liên hệ chặt chẽ với bác sĩ. Hãy liên hệ nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào đối với sức khỏe của mình, bao gồm cả những điều dường như không liên quan hoặc nhỏ nhặt như thay đổi chu kỳ kinh nguyệt hoặc gia tăng nhiễm trùng tiết niệu…

Theo suckhoedoisong.vn