1. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể qua quan hệ tình dục
Gần một 50% phụ nữ và cứ 100 nam giới thì có 1 người bị nhiễm trùng tiết niệu ít nhất một lần trong đời. ThS. BS Lê Quang Dương, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sức khỏe – VietHealth cho biết, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của đường tiết niệu, bắt đầu từ thận - nơi nước tiểu được tạo ra; tiếp tục qua các ống niệu quản dẫn nước tiểu xuống bàng quang – nơi nước tiểu tích tụ; và kết thúc bởi ống niệu đạo - một ống ngắn mang nước tiểu ra bên ngoài cơ thể.
Quan hệ tình dục là nguyên nhân phổ biến do loại nhiễm trùng này, đặc biệt là đối với phụ nữ. Trong quá trình quan hệ tình dục, lực đẩy có thể đưa vi khuẩn vào bàng quang, làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng tiết niệu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu cũng ảnh hưởng đến khoảng 8% phụ nữ có thai. Do hormone thai kỳ làm giãn trương lực cơ niệu quản, làm chậm dòng chảy của nước tiểu. Sự thay đổi này làm nước tiểu mất nhiều thời gian hơn để đi qua đường tiết niệu, khiến vi khuẩn có nhiều thời gian hơn để sinh sôi.
Hoặc do sự chèn ép của tử cung lên bàng quang, khiến mẹ bầu khó tống xuất hết nước tiểu trong bàng quang. Nước tiểu còn sót lại có thể trở thành nguồn lây nhiễm khi trào ngược từ bàng quang lên niệu đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu khá rõ ràng, điều này giúp nhận biết sớm nhiễm trùng đường tiết niệu. Các triệu chứng, bao gồm:
- Đau hoặc rát khi đi tiểu.
- Buồn tiểu và đi tiểu liên tục.
- Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi.
- Máu trong nước tiểu.
2. Một số cách xử trí khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu
2.1. Đi khám ngay khi thấy dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu thường không phải là nguyên nhân gây lo ngại lớn nhưng nếu không điều trị, có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng thận. Nếu nghi ngờ mình bị nhiễm trùng tiểu, hãy đi khám càng sớm càng tốt.
Khi khám bệnh, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, có thể thực hiện xét nghiệm mẫu nước tiểu, nếu xác định nhiễm trùng tiết niệu, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc.
2.2. Dùng thuốc không kê đơn để giảm đau
Có một số loại thuốc không kê đơn (OTC) có thể giúp giảm các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu cho đến khi thuốc kháng sinh có tác dụng.
Các thuốc không kê đơn chỉ giúp giảm đau tạm thời, không điều trị nhiễm trùng tiểu nên không thể dùng chúng thay cho thuốc kháng sinh.
2.3. Uống nhiều nước
Uống nhiều nước có thể giúp đẩy vi khuẩn ra khỏi bàng quang nhanh hơn, giúp giảm bớt cảm giác nóng rát và châm chích khi đi tiểu vì nó làm cho nước tiểu loãng hơn.
Hãy nhớ uống đủ nước kể cả khi tình trạng nhiễm trùng đã khỏi.
2.4. Đi vệ sinh thường xuyên
Đi tiểu thường xuyên giúp ngăn chặn vi khuẩn phát triển, trong khi nước đọng lại thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn.
Nếu nhịn tiểu và để nó đọng trong bàng quang, vi khuẩn sẽ có nhiều cơ hội phát triển và nhân lên. Mặt khác, nếu đi tiểu thường xuyên, sẽ thải vi khuẩn ra ngoài thường xuyên hơn và khiến vi khuẩn ít có cơ hội phát triển hơn.
2.5. Uống trà xanh
Trà xanh có chứa một hợp chất gọi là catechin polyphenolic, có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm mạnh. Nó cũng được phát hiện là giúp tiêu diệt escherichia coli (E. coli), loại vi khuẩn thường gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu nhất.
Epigallocatechin (EGC), một hợp chất trong trà xanh, đã được chứng minh có khả năng chống lại các chủng vi khuẩn E.coli gây nhiễm trùng tiết niệu. Một cốc (240 ml) trà xanh đã pha chứa khoảng 150mg EGC. Nghiên cứu cho hay chỉ cần 3-5 mg EGC là đủ để ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong đường tiết niệu.
Uống một lượng trà xanh vừa phải không gây vấn đề gì. Tuy nhiên, chúng cũng chứa caffein, có thể gây mất ngủ và bồn chồn. Hơn nữa, tiêu thụ caffein trong khi đang bị nhiễm trùng tiểu có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Vì vậy, có thể chọn các sản phẩm trà xanh đã khử caffein để thay thế.
2.6. Tránh uống rượu và caffeine
Rượu và caffeine là hai thứ nên tránh cho đến khi hết nhiễm trùng đường tiết niệu vì có thể gây kích ứng bàng quang.
Ngoài ra, khi đang uống kháng sinh điều trị nhiễm trùng tiểu mà uống rượu và caffein có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ và khiến việc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu trở nên khó khăn hơn.
Một số trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu có thể tự khỏi nhưng cũng có khả năng nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ trở nên nặng hơn, gây nhiễm trùng thận hoặc thậm chí nhiễm trùng huyết nếu không được điều trị. Vì vậy cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc đúng và đủ liều để điều trị bệnh. |