Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có gần 18 triệu người chết vì bệnh tim mạch vào năm 2019, chiếm 32% tổng số ca tử vong toàn cầu. Trong đó, 85% là do đau tim và đột quỵ, theo chuyên trang khoa học Science Daily.
Nghiên cứu dẫn đầu bởi các nhà khoa học của Đại học McMaster và Hiệp hội Khoa học sức khỏe Hamilton thuộc Viện Nghiên cứu sức khỏe dân số toàn cầu có trụ sở tại Canada (PHRI), đã công bố danh sách 6 loại thực phẩm chính là chìa khóa để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Đó là trái cây, rau, các loại đậu, các loại hạt, cá và các sản phẩm từ sữa nguyên béo, theo Science Daily.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng có thể đạt được một chế độ ăn uống lành mạnh bằng cách tiêu thụ lượng vừa phải ngũ cốc nguyên hạt hoặc thịt chưa qua chế biến.
Đây là nghiên cứu có phạm vi toàn cầu và tập trung vào các loại thực phẩm thường được coi là tốt cho sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu của PHRI và các cộng tác viên toàn cầu đã phân tích dữ liệu từ 245.000 người ở 80 quốc gia từ nhiều nghiên cứu.
Trong thời gian theo dõi trung bình hơn 9 năm, đã có 15.707 ca tử vong và 40.764 ca đau tim và đột quỵ.
Kết quả đã phát hiện những người có chế độ ăn uống lành mạnh nhất có nguy cơ tử vong trong thời gian nghiên cứu thấp hơn 30%, theo Science Daily.
Họ cũng giảm được 19% nguy cơ đột quỵ, 18% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và 14% nguy cơ đau tim.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Andrew Mente, nhà khoa học PHRI, cho biết: Nghiên cứu này cho thấy nên ưu tiên tiêu thụ nhiều thực phẩm lành mạnh, có tác dụng bảo vệ. Ngoài việc ăn nhiều hơn các loại trái cây, rau, các loại hạt, các loại đậu để phòng ngừa bệnh tật, thì ăn điều độ thực phẩm tự nhiên cũng là chìa khóa.
Với lượng vừa phải cá và sữa nguyên béo cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Và tiêu thụ vừa phải ngũ cốc nguyên hạt chưa tinh chế và thịt chưa qua chế biến, cũng có tác dụng tương tự.
Công thức của chế độ ăn uống lành mạnh
Nghiên cứu đưa ra khuyến nghị lượng tiêu thụ trung bình như sau:
- Trái cây: 2 - 3 phần hằng ngày.
- Rau: 2 - 3 phần mỗi ngày.
- Các loại hạt: 1 khẩu phần hằng ngày.
- Sữa: 2 khẩu phần mỗi ngày, gồm sữa, sữa chua hoặc phô mai.
- Các loại đậu: 3 - 4 phần mỗi tuần.
- Cá: 2 - 3 khẩu phần mỗi tuần.
- Ngũ cốc nguyên hạt: 1 khẩu phần mỗi ngày.
- Thịt đỏ hoặc thịt gia cầm chưa qua chế biến: 1 khẩu phần mỗi ngày (tương đương 85 g thịt nấu chín), theo Science Daily.
Theo Thanh niên