Lợi ích của gừng bao gồm giảm buồn nôn, cải thiện khả năng miễn dịch, tăng cường sức khỏe não bộ và giúp tiêu hóa tốt hơn, giảm cholesterol cũng như giảm đau, chống viêm. Mật ong dùng để ngâm gừng không chỉ cải thiện hương vị mà còn cung cấp enzyme, vitamin và khoáng chất có thể giúp chống lại các triệu chứng cảm lạnh, cúm cũng như dị ứng. Mật ong cũng đã được chứng minh là một phương tiện rất tốt để truyền tải những lợi ích của gừng đến cơ thể.

Cả mật ong và gừng đều có những tác dụng tốt cho sức khỏe riêng, sự kết hợp của cả hai đều mang lại những lợi ích bổ sung.

TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, hỗn hợp gừng mật ong có thể sử dụng bất cứ khi nào, nhưng tốt nhất là uống vào buổi sáng để cung cấp nước và giải độc cho cơ thể hoặc giữa các bữa ăn để làm dịu dạ dày.

1. Lợi ích của hỗn hợp gừng mật ong

Gừng mật ong uống vào lúc nào tốt nhất cho sức khỏe? - Ảnh 1.

Hỗn hợp gừng mật ong uống buổi sáng giúp cung cấp nước và giải độc cho cơ thể…

TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang cho biết, sự kết hợp gừng mật ong mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cụ thể:

- Là biện pháp trị ho và cảm lạnh tự nhiên tại nhà: Mật ong được cho là có tác dụng làm loãng chất nhầy tích tụ làm tắc nghẽn đường thở và dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp trên. Theo cách tương tự, gừng giúp giảm viêm đường hô hấp. Vì vậy, hỗn hợp kết hợp gừng mật ong sẽ mang lại phương pháp điều trị tự nhiên hiệu quả cho các triệu chứng ho và cảm lạnh.

Chúng ta có thể lấy một muỗng canh gừng ngâm mật ong, cho vào 1 cốc nước và hòa với nước nóng. Nếu uống nước gừng mật ong nóng 2 lần mỗi ngày, chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

- Thuốc giảm đau tự nhiên: Mặc dù gừng có hương vị nồng nàn nhưng ít người biết rằng nó có tác dụng long đờm và giúp giảm đau. Sau cảm lạnh thường dẫn đến đau họng. Sự kết hợp này được sử dụng như một phương pháp điều trị cảm lạnh và là một loại thuốc giảm đau họng tự nhiên, giúp thông xoang và giúp loại bỏ chất nhầy ở đường hô hấp.

- Lợi ích cho trái tim: Các nghiên cứu cho thấy gừng mật ong rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Gừng cũng đã được chứng minh là rất hữu ích trong việc ngăn ngừa cục máu đông và giảm cholesterol. Điều này giúp chống lại bệnh tim mạch vành.

- Tăng cường hệ thống miễn dịch: Gừng, mật ong và chanh là 3 thành phần hoàn hảo để chống lại bệnh tật. Chúng cũng hỗ trợ khả năng tự vệ của cơ thể. Uống một tách trà gừng mật ong và chanh hoặc đơn giản là uống một thìa gừng ngâm mật ong hàng ngày có thể tăng cường hệ thống miễn dịch. Hơn nữa, cả gừng và mật ong đều có đặc tính chống oxy hóa, do đó làm tăng sức mạnh miễn dịch của cơ thể.

- Giúp chữa chứng khó tiêu: Hỗn hợp gừng mật ong là một chất hỗ trợ tiêu hóa tốt do đặc tính tiêu hóa vốn có của gừng. Vì vậy, việc sử dụng gừng mật ong rất hữu ích cho những người có hệ tiêu hóa yếu.

- Ngăn ngừa buồn nôn và ốm nghén: Sử dụng gừng là một trong những biện pháp tự nhiên lâu đời nhất chữa chứng buồn nôn, đặc biệt là chứng buồn nôn xảy ra khi mang thai. Việc bổ sung thêm mật ong sẽ tạo cảm giác ngon miệng hơn cho những người không thích mùi vị của gừng sống. Để giúp giảm bớt tình trạng ốm nghén, chúng ta có thể pha hỗn hợp mật ong gừng vào nước nóng rồi uống.

photo-1695694052663

Gừng là một phương thức tự nhiên chữa nhiều bệnh.

2. Rủi ro và tác dụng phụ của gừng mật ong

Theo TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, gừng và mật ong an toàn khi sử dụng, nhưng giống như tất cả các loại thực phẩm, một số người có thể phản ứng bất lợi. Nếu ai đó bị kích ứng da, đau dạ dày, đổ mồ hôi, tiêu chảy hoặc buồn nôn sau khi sử dụng gừng ngâm mật ong, hãy ngừng dùng.

Trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên dùng mật ong vì đây là nguồn tiềm ẩn bào tử gây độc cho trẻ sơ sinh.

Mật ong thô không gây nguy hiểm cho trẻ lớn hoặc người lớn, chỉ nguy hiểm cho trẻ sơ sinh, vì vậy người lớn có thể ăn mật ong miễn là không bị dị ứng. Tuy nhiên, nếu chúng ta có hệ thống miễn dịch bị tổn hại hoặc đang điều trị bằng hóa trị hay xạ trị cho bệnh ung thư, nên nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng mật ong.

Mặc dù mật ong là một trong những chất làm ngọt tốt nhất cho sức khỏe nhưng vẫn nên sử dụng ở mức độ vừa phải. Tác dụng phụ nhiễm độc mật ong nhẹ có thể bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, đổ mồ hôi, buồn nôn và nôn mửa.

Đường ăn thông thường và mật ong đều thuộc nhóm có GI (chỉ số đường huyết) trung bình. Theo đó, với đường chỉ số GI = 65, mật ong chỉ số GI = 55. Nhiều người mắc bệnh đái tháo đường cần phải kiêng đường, vậy những bệnh nhân này có dùng được mật ong không?

TS. Lương y Phùng Tuấn Giang cho biết, về lý thuyết, người bệnh đái tháo đường có thể dùng mật ong, làm chất tạo ngọt thay cho đường cho đỡ "thèm ngọt". Tuy nhiên, trên thực tế, các bác sĩ không tư vấn cho bệnh nhân đái tháo đường việc dùng mật ong để thay cho đường ăn. Những giá trị dinh dưỡng đến từ vitamin và khoáng chất của mật ong không bù đắp lại được những tác hại của các thành phần đường trong mật ong gây ra với bệnh đái tháo đường. Ngay cả với người bình thường, cũng không nên ăn quá nhiều mật ong quá mức (>100g mỗi ngày) khiến ảnh hưởng đến các vấn đề chuyển hóa.

photo-1695694053171

Mật ong cung cấp enzyme, vitamin và khoáng chất tăng cường miễn dịch.

3. Cách làm gừng mật ong

Gừng ngâm mật ong có thể được làm bằng gừng tươi xay hoặc băm nhỏ hoặc thái lát nhưng cũng có thể sử dụng bột gừng khô. Sau khi làm xong, mật ong gừng có thể được bảo quản trong nhiều tháng và hương vị sẽ đậm đà hơn theo thời gian.

Khuyến cáo chung là nên uống khoảng 1-3 cốc nước gừng mật ong mỗi ngày. Để pha cốc nước gừng mật ong chúng ta sẽ lấy ra một muỗng canh gừng mật ong và pha với nước nóng, uống đặc hay loãng tùy khẩu vị mỗi người.

Theo suckhoedoisong.vn