Một số trường hợp bệnh nhân đến muộn, bác sĩ khám thấy vùng thắt lưng bên có sỏi thận sưng nề tấy đỏ do sỏi tắc nghẽn gây ứ mủ thận, viêm tấy quanh thận hoặc thấy rò mủ thắt lưng do áp xe quanh thận đã vỡ sau phúc mạc.
Khi để muộn, sỏi đài bể thận sẽ gây biến chứng như: Nhiễm khuẩn tiết niệu; Viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận; Giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận; Viêm quanh thận xơ hóa (fibrose – xanthogranulomatose); Cao huyết áp do sỏi san hô thận gây thiếu máu nhu mô thận, teo thận; Suy thận do sỏi thận 2 bên gây tắc nghẽn.
|
|
Sỏi thận là vấn đề hay gặp, để phòng ngừa cần uống nước từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày |
Nên làm gì khi mắc bệnh sỏi thận?
Khi mắc bệnh sỏi thận, người bệnh không nên quá hoang mang, thay vào đó cần phải có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học hợp lý. Đặc biệt cần lựa chọn một bệnh viện uy tín, có đủ cơ sở máy móc trang thiết bị để khám tổng quát và có hướng điều trị phù hợp.
Sỏi thận nhỏ, sỏi đài dưới không có triệu chứng không cần thiết can thiệp. Bệnh nhân chỉ cần được điều trị nội khoa, dùng các thuốc làm tăng cường bài tiết sỏi ra ngoài một cách tự nhiên. Phương pháp này khá an toàn và hiệu quả cao. Nhưng với các sỏi thận kích thước lớn và nhiều, điều trị phải chấp nhận đến các can thiệp cao hơn, phức tạp hơn.
Tùy vào từng cá nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Có thể sử dụng các biện pháp sau:
- Tán sỏi thận qua da là phương pháp can thiệp dùng máy tán nội soi và lấy sỏi thận qua đường hầm được tạo qua da chỉ định điều trị sỏi đài bể thận kích thước trên 2cm với nhiều lợi ích hơn so với mổ mở. Phương pháp này có thể tán được những sỏi lớn và rắn. Tán sỏi qua da trực tiếp có thể rửa sạch lấy hết cặn sỏi và dẫn lưu bể thận qua da cho phép giải quyết phần lớn sỏi thận thường gặp ở nước ta.
- Tán sỏi thận nội soi ngược dòng bằng ống soi mềm là phương pháp sử dụng ống soi mềm nội soi ngược dòng qua niệu quản lên đài bể thận để tán sỏi trong thận bằng năng lượng Laser. Đây là phương pháp điều trị sỏi trong thận hiệu quả và an toàn chỉ định cho sỏi thận kích thước dưới 2,5cm.
- Tán sỏi ngoài cơ thể. Chỉ định điều trị các sỏi đài bể thận nhỏ. Sỏi thận sẽ vỡ thành mảnh nhỏ đường kính dưới 4mm sẽ theo đường bài xuất thải ra ngoài. Nếu sỏi thận kích thước 20 – 30mm cần đặt ống thông niệu quản trước khi tán sỏi ngoài cơ thể để dự phòng tắc vụn sỏi.
Điều trị phẫu thuật được đặt ra khi sỏi đài bể thận có biến chứng đái máu tái phát nặng, nhiễm khuẩn, viêm đài bể thận, thận ứ nước, ứ mủ, suy thận; Sỏi san hô thận phức tạp có nhiều viên đã gây biến chứng; Sỏi thận lớn 2 bên sẽ chỉ định mổ bên thận còn chức năng trước; Sau các can thiệp khác thất bại (tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da)... Phương pháp phẫu thuật tùy theo vị trí và kích thước sỏi.
Tóm lại: Sỏi thận là vấn đề hay gặp, để phòng ngừa cần uống nước từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Uống đủ nước sẽ giúp thận và gan hoạt động tốt hơn.
Ăn nhiều trái cây và rau xanh có thể làm giảm nồng độ axit trong nước tiểu. Nên hạn chế sử dụng các chất kích thích rượu bia, chất gây hại cho sức khoẻ. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe bằng những gói khám định kỳ và khám sức khỏe tổng quát, Nếu gặp bất kỳ triệu chứng của nào của sỏi thận, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Theo suckhoedoisong.vn